Nhằm phát triển kỹ năng truyền thông cho đội ngũ cán bộ, góp phần nâng cao thương hiệu của từng đơn vị và Nhà trường nói chung, ngày 31/8/2021, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức tọa đàm chuyên môn về xử lý khủng hoảng truyền thông trên mạng xã hội cho đội ngũ cán bộ theo hình thức trực tuyến.
Diễn giả của tọa đàm là ThS. Vũ Thế Cường, Giảng viên chuyên ngành Báo điện tử và đa phương tiện tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Chuyên gia tư vấn, tập huấn cho các báo và cơ quan về truyền thông.
Thầy Vũ Thế Cường cũng là cựu học sinh THPT Chuyên Ngoại ngữ và cựu sinh viên Khoa Sư phạm tiếng Anh của Trường Đại học Ngoại ngữ.
Tham dự tọa đàm có Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Long, Phó Hiệu trưởng Hà Lê Kim Anh, đại diện lãnh đạo các đơn vị, cán bộ phụ trách công tác truyền thông của các đơn vị và đông đảo cán bộ quan tâm.
Phát biểu khai mạc, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Long nhận định công tác truyền thông trong Nhà trường thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu, mang tính chuyên nghiệp hơn và phủ sóng rộng hơn, đã đi đến từng đơn vị và sự kiện. Tuy vậy, công tác truyền thông đòi hỏi tính cập nhật và khả năng ứng phó nhanh. Do đó, tọa đàm này được tổ chức nhằm giúp các thầy cô có thêm kiến thức, kỹ năng để xử lý các tình huống phát sinh trong truyền thông.
Nội dung tọa đàm bao gồm 2 phần chính. Phần 1 là chia sẻ của diễn giả, phần 2 là giao lưu và giải đáp câu hỏi.
Trong chương trình tọa đàm, diễn giả đã chia sẻ về các tình huống xảy ra khủng hoảng truyền thông, quy trình lan truyền thông tin trên mạng xã hội và các bước xử lý tình huống khủng hoảng truyền thông. Vai trò của việc xử lý khủng hoảng truyền thông đúng cách, cách thức ứng xử với thông tin trên mạng xã hội, sử dụng mạng xã hội an toàn và thông minh với những ví dụ cụ thể đã được truyền đạt tới các thầy cô.
Theo diễn giả, khủng hoảng có nguy cơ xảy ra từ mỗi cá nhân. Do đó, chúng ta cần “cẩn thận”, sẵn sàng đối phó và có dự báo từ trước để đưa ra phương thức phù hợp ngay trong thời gian đầu khủng hoảng xảy ra, đảm bảo mọi hoạt động đều xuất phát từ sự chân thành.
Qua chương trình tọa đàm, các thầy cô ULIS đã có thêm nhiều kiến thức để xử lý tình huống truyền thông trên mạng xã hội.
Tại tọa đàm, Hiệu trưởng Đỗ Tuấn Minh đã nhấn mạnh chữ “Tâm” và chữ “Chân (thành)” khi làm truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông
Tọa đàm về xử lý khủng hoảng truyền thông trên mạng xã hội đã thu hút khoảng 120 người tham gia.