Ngày 04/09/2018, tại thư viện trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN (Tầng 2 – nhà C3 – Khoa Pháp) đã diễn ra buổi họp bàn về đề án thúc đẩy văn hóa đọc trong sinh viên và phát huy hiệu quả nguồn học liệu của Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN do bộ phận Học liệu thuộc Trung tâm CNTT-TT&HL tổ chức.
Buổi họp bàn là một hoạt động được thức hiện sau khi bản đề án đã được trình tại cuộc họp Đảng ủy Đại học Ngoại ngữ cũng như được thông qua chủ trương vào ngày 29/08/2018 và đã chính thức được giao cho Phó Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Long chỉ đạo và triển khai.
Tham gia buổi họp có sự tham dự của đông đủ Ban Giám đốc và chuyên viên các bộ phận của Trung tâm CNTT-TT&HL.
Mở đầu buổi họp, Phó Giám đốc Trung tâm Dương Khánh Linh đã có bản thuyết trình trước toàn thể các cán bộ về đề án thúc đẩy văn hóa đọc trong sinh viên và phát huy hiệu quả nguồn học liệu của Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN. Những nội dung trong bản thuyết trình xoay quanh các thực trạng sẵn có về về điểm mạnh, điểm hạn chế, cơ hội và thách thức của văn hóa đọc trong nội bộ Nhà trường. Ngoài ra, bản thuyết trình còn tập trung đề ra các đề xuất để thúc đẩy văn hóa đọc trong sinh viên như sau:
- Nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa đọc và gắn nhu cầu đọc sách, tài liệu tham khảo chặt chẽ hơn với chương trình đào tạo thông qua chính sách:
- Đưa việc sử dụng thư viện trở thành điều kiện trong các môn học hoặc trong công tác nghiên cứu khoa học. Theo đó, sinh viên cần có một số lượng giờ nhất định đọc sách và tra cứu tài liệu và giảng viên có một số giờ hướng dẫn sinh viên sử dụng thư viện hoặc hướng dẫn đọc sách tại thư viện như là một phần bắt buộc của môn học hoặc thời gian nghiên cứu và giảng dạy.
- Trong nội dung môn học, sinh viên cần được cung cấp danh mục các sách/tài liệu tham khảo bắt buộc và sách/tài liệu tham khảo tự chọn. Các tài liệu này nên là những tài liệu sẵn có tại thư viện thuộc Bộ phận Học liệu hoặc tại khoa đào tạo. Vì vậy, khi xây dựng danh mục cần tham khảo mục lục trực tuyến của Bộ phận Học liệu hoặc liên hệ với Bộ phận Học liệu để được hỗ trợ sử dụng thư mục.
- Nhà trường ưu tiên bổ sung những đầu sách nằm trong danh mục tham khảo bắt buộc của các môn học và tùy theo nhu cầu của sinh viên mà có số bản hợp lý.
- Khuyến khích hình thành phong trào sinh viên đọc nhiều, đọc có hiệu quả và đọc thường xuyên thông qua các hoạt động khuyến đọc như:
- Tổ chức cuộc thi giới thiệu về sách đăng trên một website của nhà trường có công cụ để đánh giá (vote/like) và chia sẻ giữa các sinh viên. Sách có thể được giới thiệu dưới dạng bài viết hoặc dưới dạng clip hoặc các hình thức sáng tạo khác.
- Phối hợp với các cơ quan báo chí ngành giáo dục để cung cấp các bài giới thiệu sách về dạy và học ngoại ngữ do sinh viên viết ở một mục chuyên đề thường kỳ.
- Thành lập các câu lạc bộ đọc sách hoặc các nhóm tủ sách của sinh viên nhằm chia sẻ luân phiên các đầu sách hay và phù hợp với chương trình đào tạo của sinh viên.
- Tổ chức các đợt giới thiệu sách định kỳ của Bộ phận Học liệu và các nhà xuất bản/công ty phát hành sách, trong đó sinh viên tình nguyện có thể là những người giới thiệu sách tại các gian trưng bày.
- Hướng dẫn, đào tạo các kỹ năng tìm kiếm thông tin, kỹ năng đọc và trích dẫn tài liệu tham khảo cho sinh viên:
- Sinh viên có động lực đọc tốt hơn khi họ tìm thấy được những tài liệu phục vụ trực tiếp cho nhu cầu học tập của họ và giúp họ đạt kết quả tốt hơn trong môn học mà họ lựa chọn. Vì vậy, các hoạt động đào tạo kỹ năng tìm kiếm thông tin được lồng ghép trực tiếp trong môn học để giúp sinh viên làm bài tập, tiểu luận, khóa luận sẽ giúp sinh viên có động lực đọc tốt hơn. Hoạt động này có thể phối hợp giữa giảng viên và Bộ phận Học liệu.
- Các hoạt động đào tạo kỹ năng thông tin khác như kỹ năng tư duy tích cực, kỹ năng đọc theo những mục đích khác nhau, kiến thức về đạo văn và tránh đạo văn, kỹ năng tóm tắt và trích dẫn tài liệu tham khảo cũng cần được cung cấp thường xuyên như một hoạt động ngoại khóa cho sinh viên.
- Phát triển sản phẩm và dịch vụ của thư viện thân thiện hơn với sinh viên và tăng cường truyền thông quảng bá cho thư viện:
- Tiếp tục duy trì và hoàn thiện các Thư mục Tài liệu theo chuyên đề do các giảng viên và nhân viên thư viện xây dựng. Mở rộng loại hình tài liệu ra cả các loại tài liệu số và đa phương tiện. Cung cấp các thư mục này không chỉ ở dạng bản giấy ở Bộ phận Học liệu mà còn cung cấp trên website để thuận tiện hơn cho người sử dụng.
- Hình thành và hoàn thiện kho tài liệu nội sinh dạng số được quản lý bằng phần mềm để tăng cường khả năng tiếp cận và chia sẻ của sinh viên tới những tài liệu phục vụ trực tiếp cho nhu cầu tham khảo của các môn học.
- Xây dựng các tài liệu/sổ tay hướng dẫn về danh mục tài liệu quan trọng và các nguồn tham khảo mở rộng dành cho mỗi môn học.
- Xây dựng các tài liệu hướng dẫn về tìm kiếm và sử dụng những nguồn tài liệu quan trọng của nhà trường và ĐH Quốc gia Hà Nội như: Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài, các Cơ sở Dữ liệu báo và tạp chí khoa học mà ĐH Quốc gia đặt mua.
Kết thúc bản thuyết trình, các cán bộ của Trung tâm CNTT-TT&HL đã có những tham luận, phản biện và đóng góp ý kiến thẳng thắn cho bản đề án.
Buổi họp đã khép lại trong không khí phấn khởi và tràn đầy quyết tâm. Các cán bộ của Trung tâm từ Ban Giám đốc đến các chuyên viên đều kỳ vọng vào sự thành công của đề án một khi được đưa vào thực tiễn.
ULIS Media