Cuốn sách “Quản lý Tài chính cá nhân và Khởi nghiệp” đã được TS. Đinh Thị Thanh Vân – Đồng chủ biên của tác phẩm trao tặng cho Trung tâm Công nghệ thông tin – Truyền thông và Học liệu. Độc giả quan tâm có thể tìm đọc tại Bộ phận Học liệu, tầng 1-2 nhà C3 Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN.
Xuất bản năm 2018 bởi NXB Khoa học và Kỹ thuật, cuốn sách “Quản lý Tài chính cá nhân và Khởi nghiệp” do TS. Đinh Thị Thanh Vân và TS. Nguyễn Đăng Tuệ đồng chủ biên. Sách được đúc rút từ công trình nghiên cứu “Nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý tài chính cho cá nhân/hộ gia đình định hướng khởi nghiệp (trường hợp tỉnh Phú Thọ)” do ĐHQGHN tài trợ.
Trong cuộc sống, các cá nhân đều phải đưa ra các quyết định tài chính khác nhau như vay mượn, đầu tư và chuẩn bị cho nghỉ hưu. Bên cạnh đó, cùng với sự phức tạp của thị trường tài chính đang phát triển không ngừng, các cá nhân cần có kiến thức về các sản phẩm tài chính khác nhau được cung cấp cho họ. Đẩy mạnh phổ cập tài chính là một giải pháp hiệu quả, kích thích các hoạt động tạo thu nhập, giúp người dân kiểm soát tình hình tài chính của mình, từng bước vượt khỏi đói nghèo. Nâng cao hiểu biết tài chính của người dân sẽ tác động tới nhu cầu sử dụng dịch vụ tài chính, giúp mở rộng phổ cập tài chính.
Dưới góc độ khởi nghiệp, các cá nhân/nhóm khởi nghiệp thường phải chịu trách nhiệm đối với sự tồn tại của những doanh nghiệp mới thành lập của mình trong khi chưa hiểu rõ được các nhu cầu về tài chính. Sư thiếu hụt các kỹ năng tài chính thường được coi là một lý do chính của sự suy sụp của nhiều cá nhân/nhóm khởi nghiệp. Cải thiện hoạt động tài chính cũng giúp tăng khả năng của cá nhân/hộ gia đình hướng tới khởi nghiệp trong việc tìm kiếm và sử dụng nguồn lực tài chính bên ngoài. Đồng thời, trong giai đoạn đầu tiên của quá trình khởi nghiệp, rủi ro tài chính tập trung nhiều nhất vào người khởi nghiệp và gia đình, bạn bè của họ, do vậy có thể ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý, hoạt động xã hội của bản thân các cá nhân/nhóm khởi nghiệp. Vì vậy, có thể khẳng định nâng cao hiểu biết tài chính có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế, của từng cá nhân và của từng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp. Sách gồm 4 chương: Những vấn đề lý luận về quản lý tài chính cá nhân và khởi nghiệp, Kinh nghiệm quốc tế về nâng cao hiểu biết tài chính cá nhân và khởi nghiệp, Đào tạo quản lý tài chính cá nhân và khởi nghiệp tại Việt Nam, Một số kiến nghị và giải pháp nâng cao trình độ quản lý tài chính và khởi nghiệp tại Việt Nam.
Nhóm tác giả TS, Đinh Thị Thanh Vân, TS. Nguyễn Đăng Tuệ và các thành viên Nhóm nghiên cứu Tài chính cá nhân Việt Nam (Trong đó có ThS. Hứa Phương Linh là giảng viên Khoa Sư phạm tiếng Anh của Trường ĐH Ngoại ngữ -ĐHQGHN) mong muốn cuốn sách chuyên khảo này sẽ góp phần nâng cao hiểu biết tài chính và tư duy khởi nghiệp cho các cá nhân/hộ gia đình định hướng khởi nghiệp nói riêng và mở rộng phổ cập tài chính cho người dân Việt Nam nói chung.
TS, Đinh Thị Thanh Vân là Phó Chủ nhiệm Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN, đồng thời là Trưởng nhóm nghiên cứu Mạng lưới tăng cường hiểu biết tài chính cho Việt Nam. Là học giải của chương trình Fulbright, tác giá đã có hơn 15 năm nghiên cứu và giảng dạy trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, cố vấn cho các tập đoàn/ngân hàng về tài chính.
Tác giả Đinh Thị Thanh Vân đã tặng cuốn sách “Quản lý Tài chính cá nhân và Khởi nghiệp” cho Trung tâm CNTT-TT&HL với mong muốn giúp cán bộ, sinh viên ULIS tìm đọc và phát triển kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, khởi nghiệp.
ULIS Media