Trung tâm CNTT-TT&HL trân trọng giới thiệu đến bạn đọc số đầu tiên của Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài, ấn phẩm khoa học chính thức và độc lập của Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, kế thừa và phát triển Chuyên san Nghiên cứu nước ngoài thuộc Tạp chí Khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội trước đây.
Trong số 1, Tạp chí gồm có 12 bài công bố kết quả nghiên cứu, 02 bài trao đổi của các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quy Nhơn và 01 thông tin khoa học do PGS.TS. Phạm Văn Tình cung cấp. Các bài viết trong số này có những đóng góp mới cho các ngành ngôn ngữ học, giảng dạy và học tập ngoại ngữ cũng như quốc tế học, theo đúng sứ mệnh, định hướng của Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN và tôn chỉ, mục đích của Tạp chí Nghiên cứu nước ngoài.
Bìa số 1 của tạp chí
Ở bài viết đầu tiên, tác giả Nguyễn Hoàng Anh miêu tả cấu trúc nội tại, độ ngưng kết và chức năng của tổ hợp V+N tiếng Hán trong mối liên hệ với cấu trúc âm tiết của nó. Theo một góc nhìn khác, bài viết của Trần Thị Kim Loan cho thấy ngữ âm tiếng Hán ở Trung Quốc đại lục và Đài Loan tồn tại một số sự khác biệt rõ rệt cả về thanh mẫu, vận mẫu và thanh điệu. Ngô Minh Thuỷ & Trần Kiều Huế phân tích các phương thức “Nhật hóa” nhóm từ ngoại lai gốc tiếng Anh trong tiếng Nhật từ góc độ ngữ âm, và Đỗ Hoàng Ngân phân tích đặc điểm sử dụng aizuchi trong giao tiếp Nhật-Việt theo lý thuyết lịch sự.
Bên cạnh bức tranh đa sắc đó về ngôn ngữ của các quốc gia lân cận, Nguyễn Đình Hiền khảo sát những chữ Hán viết sai, viết nhầm của sinh viên Việt Nam, và đưa ra những kiến nghị đối với việc dạy và học chữ Hán cho sinh viên Việt Nam. Tác giả Đặng Thị Lan tiếp cận vấn đề mức độ thích ứng với hoạt động học môn đọc hiểu tiếng nước ngoài của sinh viên. Nghiên cứu của tập thể tác giả Dương Thu Mai, Nguyễn Thị Chi và Phạm Thị Thu Hà nhằm xây dựng một khung năng lực đánh giá tiếng Anh và bàn luận những vấn đề phương pháp luận, cơ sở lý luận và thực tiễn trong xây dựng khung đánh giá. Hai tác giả Nguyễn Thị Hằng Nga & Nguyễn Ngọc Toàn có bài viết với tiêu đề khá hấp dẫn là “Không gậy, không kẹo” để xây dựng thói quen học tập với động lực nội sinh ở người học. Nguyễn Việt Quang tìm ra các điểm mạnh cũng như những hạn chế trong cấu trúc và nội dung của các đề thi tuyển sinh đại học môn tiếng Pháp giai đoạn 2005-2014 nhằm góp phần tổ chức tốt kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ công tác tuyển sinh trong giai đoạn mới. Còn Hoàng Nguyễn Thu Trang lại phản ánh góc nhìn của sinh viên ngành công nghệ đối với việc tự học tiếng Anh có sử dụng công nghệ. Các bài viết này thể hiện sự đa dạng trong đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học trong trường.
Những bài viết về quốc tế học và những ngành XHNV liên quan được thể hiện qua nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Anh Tranh chấp Biển Đông: Thách thức trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc nhìn từ cách tiếp cận của Trung Quốc về quyền lực, và Nguyễn Thị Thu Hiền Phương thức giao tiếp với độc giả của các bài bình luận báo chí về “Hồ sơ Panama” từ góc nhìn của thuyết đánh giá. Đặc biệt, bài viết của Cao Thị Hải Bắc đánh giá lại phong trào làng mới của Hàn Quốc với quan điểm phê phán, và chỉ ra những phương pháp cho công cuộc phát triển nông thôn mới ở Việt Nam từ kinh nghiệm của Hàn Quốc. Đây là một đóng góp kịp thời và có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay của nước ta.
Bài viết về con gà trong ngôn ngữ Trung-Việt của Phạm Ngọc Hàm là một đóng góp thú vị với việc khảo sát các tầng nghĩa của kê (gà) cũng như các từ ngữ, nhất là thành ngữ có chứa chữ kê trong tiếng Trung, liên hệ với gà và các từ ngữ có chữ gà trong tiếng Việt, nhằm làm nổi bật mối liên hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa thể hiện qua hình ảnh con gà trong tiếng Trung và tiếng Việt.
Nội dung phong phú, cập nhật, theo các góc nhìn đa dạng – đó là những bài Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài gửi đến các độc giả yêu mến và muốn tìm hiểu, nghiên cứu ngôn ngữ.
Mục lục số 1 năm 2017:
ULIS Media