Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội thảo “Định hướng chiến lược dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2016-2020”. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội thảo.
Hội thảo đã nghe Báo cáo tổng quan kết quả thực hiện Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 giai đoạn 2011-2015 và Kế hoạch triển khai giai đoạn 2016-2020; nghe tham luận của hiệu trưởng các trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng), Đại học Ngoại ngữ (Đại học Huế) về các vấn đề người dạy, người học, khảo thí, phát triển học liệu, cơ sở vật chất, phương tiện dạy và học ngoại ngữ.
Các đại biểu tham dự Hội đã thảo khẳng định những thành công ban đầu của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, chia sẻ các bài học kinh nghiệm trong thực tiễn triển khai việc dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam cũng như ở một số quốc gia khác trên thế giới, đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam thời gian tới.
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng việc dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh phải được đặt trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, nhất là khi chúng ta tham gia Hiệp định TPP và Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Hiện nay, một trong những thách thức lớn nhất trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chính là khả năng sử dụng tiếng Anh, vì thế cần sớm chuyển việc học tiếng Anh từ áp lực thành động lực và đẩy nhanh việc phổ cập tiếng Anh cho các đối tượng tham gia vào quá trình hội nhập, đặc biệt là giới trẻ.
Bộ trưởng đã chỉ rõ một trong những nhiệm vụ cần ưu tiên là đánh giá, đúc kết các bài học kinh nghiệm thời gian qua, từ đó xây dựng, triển khai hiệu quả chiến lược dạy và học ngoại ngữ theo hướng kiến tạo và hội nhập trên cơ sở tăng cường hợp tác với các quốc gia và các tổ chức quốc tế có nhiều kinh nghiệm (như Singapore đã thành công trong việc phát triển tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai).
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 cần huy động thêm sự tham gia của các chuyên gia, giảng viên giỏi, có nhiều kinh nghiệm từ các trường/khoa ngoại ngữ ở Việt Nam và quốc tế; tăng cường liên kết giữa các cơ quan quản lý giáo dục các cấp với các tổ chức chính trị xã hội và các cơ sở đào tạo ngoại ngữ. Đặc biệt, cần tập trung đầu tư vào các cấu phần: Bồi dưỡng năng cao năng lực người dạy, nâng cao chất lượng nguồn học liệu và phương tiện dạy học, nâng cao chất lượng công tác khảo thí nhằm đáp ứng nhu cầu học tập ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh cho mọi đối tượng người học.
Bộ trưởng khẳng định sẽ ưu tiên trước hết cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ các cấp theo hướng tiếp cận chuẩn năng lực giáo viên ngoại ngữ quốc tế và vận dụng phù hợp với năng lực, điều kiện thực tiễn của giáo viên Việt Nam.
Bộ trưởng yêu cầu rà soát lại khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam cũng như khung năng lực giáo viên tiếng Anh Việt Nam (ETCF) và các tài liệu giảng dạy phù hợp theo hướng tiếp cận quốc tế và tiếp cận thực tế. Trên cơ sở đó tiến hành đánh giá năng lực và nhu cầu trước khi thiết kế chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho phù hợp và có tính khả thi cao, cập nhật với xu thế tự học, tự bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, ngay tại chỗ trên cơ sở nguồn học liệu trực tuyến và sự hỗ trợ giữa các đồng nghiệp. Bên cạnh đó, cần tăng cường trao đổi chuyên gia, giảng viên, giáo viên và tình nguyện viên với các nước bản ngữ để tạo môi trường giao tiếp, nâng cao năng lực ngoại ngữ của đối tác Việt Nam.
Bộ trưởng cũng lưu ý cần xác định đúng, rõ lộ trình và các nhiệm vụ ưu tiên trong việc mở rộng và nâng cao chất lượng dạy-học ngoại ngữ. Đối tượng nào, khu vực nào chưa chuẩn bị kịp thì không tạo áp lực không cần thiết. Cần phải chuẩn bị tốt trước khi triển khai trên nguyên tắc bảo đảm chất lượng, hiệu quả, không làm vội, làm ẩu, tránh làm đi rồi phải làm lại. Các địa phương, đơn vị chủ động đề xuất lộ trình, kế hoạch phù hợp với nhu cầu và điều kiện tổ chức dạy-học ngoại ngữ của địa phương, đơn vị.
Về công tác khảo thí, Bộ trưởng chỉ đạo xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng của Việt Nam cập nhật với chuẩn quốc tế, dựa vào nguồn lực chuyên môn trong nước và phối hợp với các chuyên gia, tổ chức tư vấn, trung tâm khảo thí quốc tế. Cần đánh giá thường xuyên năng lực của các trung tâm khảo thí, đặc biệt là 10 trung tâm được Bộ giới thiệu tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc; đẩy nhanh xây dựng trung tâm đánh giá ngoại ngữ độc lập cấp quốc gia để hỗ trợ và giám sát công tác khảo thí ngoại ngữ trong cả nước. Cương quyết đóng cửa các trung tâm khảo thí không bảo đảm chất lượng, có biểu hiện tiêu cực.
Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan hoàn thiện cơ chế chính sách, cơ sở vật chất, tài chính và môi trường học tập nhằm thực hiện thành công chiến lược dạy và học ngoại ngữ trên phạm vi quốc gia.
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Cherry Gough, Giám đốc Hội đồng Anh cho rằng Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất đối mặt với việc làm thế nào để dạy và học tiếng Anh có chất lượng. Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đã kịp thời giúp Chính phủ có những quyết sách lớn về vấn đề dạy và học ngoại ngữ ở Việt Nam. Hội đồng Anh mong muốn sẽ tiếp tục hợp tác với Bộ GD&ĐT trong việc chia sẻ các dự án Teaching for Success, English Impact cũng như kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên nguồn, phương pháp dạy-học và kiểm tra, đánh giá trong đào tạo tiếng Anh.
Còn TS. Trần Xuân Thảo (Đại học Tôn Đức Thắng) thì cho rằng, phổ cập tiếng Anh là cần thiết và cấp bách, cần phải tăng cường xã hội hóa để huy động tối đa các nguồn lực khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cũng như các điều kiện phục vụ phổ cập tiếng Anh hiện nay. Bên cạnh việc tổ chức lại và nâng cao chất lượng hệ thống dạy-học ngoại ngữ chính quy, có thể cho phép học sinh chọn học ngoại ngữ ở ngoài trường trên cơ sở tự nguyện, miễn là các em đáp ứng được yêu cầu về đầu ra.
Theo TS. Hồ Thị Mỹ Phương, Giám đốc Trung tâm SEAMEO RETRAC, muốn đạt được mục tiêu thanh niên Việt Nam có thể tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh cần tạo ra nhiều cơ hội giao lưu quốc tế cho thanh niên, không cần tăng giờ dạy chính khóa vì sẽ tạo ra nhiều áp lực cho nhà trường mà nên tăng cường tổ chức các hoạt động dạy học ngoài giờ, phát triển cộng đồng học tập tiếng Anh.