Công nghiệp âm nhạc, điện ảnh, thời trang Hàn Quốc đã trở nên quen thuộc với công chúng Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Văn học Hàn Quốc, tuy chưa thật sự phổ biến nhưng cũng đã có vị trí trên thị trường sách Việt Nam. Điều gì khiến văn học Hàn Quốc có thể thu hút độc giả Việt? Dịch giả Thu Vân (Giảng viên Khoa NN&VH Hàn Quốc – Trường ĐHNN-ĐHQGHN) chia sẻ với Thời Nay về vấn đề này.
Phóng viên (PV): Chị có thể cho biết những nhận xét của mình về văn học Hàn Quốc trên thị trường văn học Việt Nam thời gian qua?
Dịch giả Nguyễn Thị Thu Vân (NTTV): Kể từ năm 1992 khi Việt Nam và Hàn Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, hoạt động dịch thuật và xuất bản các tác phẩm văn học Hàn Quốc đã bắt đầu được đẩy mạnh. Số lượng các dịch giả cũng như các tác phẩm dịch Hàn Quốc ngày càng tăng.
Nếu như trước đây, văn học dịch Hàn Quốc tại Việt Nam chỉ chủ yếu giới hạn ở các tác phẩm văn học cổ hay văn học cận đại thường khó tiếp cận đối với bạn đọc Việt Nam thì trong vòng 10 năm gần đây, có thể thấy một cú nhảy vọt cả về lượng và chất của văn học dịch Hàn Quốc, nhất là văn học hiện đại. Có nhiều tác phẩm văn học được bạn đọc Việt Nam đón nhận rất tích cực, được bán ra với số lượng lớn và tái bản nhiều lần.
PV: Chị có lý giải gì cho thực tế này?
NTTV: Một là, chủ đề của các tác phẩm văn học Hàn Quốc trong giai đoạn này gần gũi độc giả Việt nên dễ dàng được đón nhận hơn so trước đây. Hai là, chất lượng dịch đã được cải thiện đáng kể do sự xuất hiện của nhiều dịch giả có năng lực, bản dịch thường có mức độ hoàn thiện cao hơn, độ chính xác cao cũng như có sự trau chuốt về ngôn từ, lối diễn đạt tốt hơn. Ba là, nhờ có các dự án hỗ trợ dịch và xuất bản văn học Hàn Quốc tại Việt Nam của một số đơn vị chuyên về dịch thuật văn học của Hàn Quốc, qua đó giúp thúc đẩy hoạt động dịch và xuất bản tại Việt Nam sôi nổi và tích cực hơn.
PV: Vậy bạn đọc Việt Nam có nhận xét chung như thế nào về văn học Hàn Quốc?
NTTV: Một trong những lý do văn học hiện đại Hàn Quốc chiếm được sự yêu mến của bạn đọc Việt Nam chính là sự gần gũi, tương đồng giữa hai nền văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc. Chủ đề của các tác phẩm cũng thường xoay quanh những nội dung gần gũi với giới trẻ như gia đình, tình bạn, tình yêu, tuổi trẻ… Khi đến với các tác phẩm văn học Hàn Quốc, bạn đọc Việt Nam có thể dễ dàng đồng cảm với các nhân vật trong truyện, với lối sống, lối tư duy cũng như bối cảnh văn hóa xã hội trong tác phẩm. Các tác phẩm văn học Hàn Quốc được dịch và giới thiệu tại Việt Nam cũng thường có văn phong giản dị, dễ gần, dễ đọc mà vẫn có sức hút, sức lôi cuốn riêng.
PV: Nếu để chọn tác giả Hàn Quốc để dịch giới thiệu cho độc giả Việt Nam, thì chị chọn tác giả nào?
NTTV: Hiện nay có nhiều tác giả và tác phẩm văn học Hàn Quốc được giới thiệu và lựa chọn dịch, xuất bản tại Việt Nam. Các tác phẩm cũng đa dạng hơn về loại hình: văn học thiếu nhi, tự truyện, tản văn, tiểu thuyết, truyện trinh thám… Trong đó phổ biến hơn cả vẫn là tiểu thuyết. Có thể kể đến một số tác giả tiêu biểu thường nhận được sự yêu thích của độc giả như Hwang Sun-Mi, Shin Kyung-Sook, Gong Ji-Young, Jo Chang-In… đều là những tác giả nổi tiếng ở Hàn Quốc, chuyên sáng tác các tác phẩm xoay quanh chủ đề thiếu nhi, gia đình, tình yêu, tình bạn là những chủ đề mà giới trẻ quan tâm.
PV: Chị đã từng dịch tác phẩm nào của Hàn Quốc và phản hồi của độc giả Việt Nam ra sao? Theo chị, tiêu chí chọn tác phẩm để xuất bản của các nhà xuất bản là gì?
NTTV: Bản thân tôi đã dịch và giới thiệu năm tác phẩm của Hàn Quốc sang tiếng Việt, trong đó có bốn tác phẩm văn học (ba tác phẩm văn xuôi, một tập thơ: “Cô gà mái xổng chuồng” (Tác giả Hwang Sun-Mi, Nxb Hội Nhà văn, 2013), “Ở đâu đó có điện thoại gọi tôi” (Tác giả Shin Kyung-Sook, Nxb Hội Nhà văn, 2014), “Bố con cá gai” (Tác giả Jo Chang-In, Nxb Hội Nhà văn 2017), “Thác mặt trời” (Thơ, tác giả Ko Hyung-Ryul, Nxb Hội Nhà văn, 2019) và một sách nghiên cứu: “Sự lý thú của Hàn Quốc học” (Tác giả Joo Young-Ha chủ biên, Nxb Hội Nhà văn, 2017). Các tác phẩm kể trên đều nhận được phản hồi tích cực và giành được sự yêu mến của độc giả tại Việt Nam.
Cá nhân tôi nhận thấy, tiêu chí chọn xuất bản của các nhà xuất bản thường căn cứ vào chất lượng của bản gốc cùng với mức độ đón nhận của bạn đọc ở ngôn ngữ đích. Điều này thường có mối liên hệ mật thiết với chủ đề, nội dung của tác phẩm. Nhưng bên cạnh đó, cũng không thể phủ nhận được vai trò của dịch giả trong việc truyền tải được nội dung cũng như thông điệp của tác phẩm gốc đến với bạn đọc. Một dịch giả có năng lực và kinh nghiệm sẽ là cầu nối, sứ giả giúp các tác phẩm đến được với bạn đọc một cách tự nhiên, hiệu quả.
PV: Xin cảm ơn chị!
Nguồn: Nhân Dân