Hội nghị dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Tham gia đóng góp ý kiến vào kế hoạch trong thời gian tới, TS. Đỗ Tuấn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐHQGHN đặt vấn đề, trong bối cảnh toàn cầu hoá với tình hình khu vực và quốc tế có nhiều biến động, cạnh tranh, Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập và Việt Nam chính thức trở thành thành viên của TPP, đã tạo ra thách thức đối với ngành giáo dục nói chung và giáo dục ngoại ngữ nói riêng. Thách thức đó đòi hỏi phải đào tạo được nguồn nhân lực Việt Nam có đủ năng lực, trình độ để tham gia vào thị trường lao động quốc tế.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến về triển khai
Kế hoạch Đề án Ngoại ngữ 2020 giai đoạn mới.
Để triển khai cho nhiệm vụ nguồn nhân lực này, TS. Đỗ Tuấn Minh cho biết, trong giai đoạn tiếp theo, từ 2016 -2020 và hướng tới 2025, Trường Đại học Ngoại ngữ-ĐHQGHN sẽ tiếp tục triển khai hoạt động của Đề án với ba nhiệm vụ trọng tâm, đó là phát triển Trung tâm bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ, Trung tâm khảo thí ngoại ngữ và Trung tâm công nghệ thông tin và học liệu ngoại ngữ của nhà trường. Ba nhiệm vụ này có mối quan hệ chặt chẽ, tác động lẫn nhau, cùng góp phần hiện thực hoá mục tiêu kế hoạch của nhà trường.
“Trong kế hoạch triển khai các nhiệm vụ Đề án của Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN trong các năm từ 2016-2020 và hướng tới 2025, việc phát triển ba trung tâm, trung tâm bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ, trung tâm khảo thí ngoại ngữ và trung tâm công nghệ thông tin và học liệu ngoại ngữ được coi là ba nhiệm vụ chính, có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp nhà trường hoàn thành các trọng trách Đề án giao trong lĩnh vực đào tạo bồi dưỡng giáo viên và kiểm tra đánh giá ngoại ngữ.
Ba trung tâm tuy hoạt động độc lập, có nội dung khác nhau nhưng liên quan chặt chẽ với nhau và đều hướng tới một mục tiêu chung, đó là nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Bởi vậy, đẩy mạnh sự phát triển của ba trung tâm này sẽ góp phần vào sự phát triển chung của nhà trường, của Đại học Quốc gia Hà Nội và của Để án NNQG 2020 trong giai đoạn tới” TS. Đỗ Tuấn Minh khẳng định.
TS. Đỗ Tuấn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ – ĐHQGHN xác định việc triển khai
đưa vào dạy và học Ngoại ngữ phải được thực hiện phát triển ở ba trung tâm: Trung tâm bồi
dưỡng giáo viên ngoại ngữ, trung tâm khảo thí ngoại ngữ và trung tâm công nghệ thông tin.
Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, TS. Phạm Văn Hùng – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh đồng quan điểm với bản kế hoạch mà Ban Quản lí Đề án Ngoại ngữ 2020 đã đề ra cho thời gian tới và cho hay, các hoạt động dự kiến sẽ triển khai tại Thừa Thiên Huế giai đoạn từ 2016-2020 sẽ bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên Tiếng Anh, Tiếng Pháp đạt chuẩn theo yêu cầu cấp học đến năm 2018 đạt tỉ lệ 100% theo hướng tiệm cận chuẩn năng lực giáo viên ngoại ngữ quốc tế.
Phấn đấu 100% học sinh tiểu học học chương trình Tiếng Anh mới đủ 4 tiết/tuần. Từ 80% học sinh THCS, 65% học sinh THPT trở lên học chương trình Tiếng Anh mới. Một trong kế hoạch của Thừa Thiên Huế sắp tới là đẩy mạnh dạy học các môn khoa học tự nhiên bằng Tiếng Anh ở trường chuyên và trường trọng điểm, từng bước dạy học sách song ngữ ở một số trường Tiểu học và THCS có điều kiện.
“Chúng tôi cũng từng bước xây dựng và hình thành trung tâm kiểm định chất lượng ngoại ngữ của Sở nhằm giúp tư vấn chuyên môn cho Sở và các đơn vị trong việc định hướng quản lí chỉ đạo đánh giá môn ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra” ông Hùng cho hay.
Cũng theo ông Hùng, giai đoạn từ 2021-2025 Thừa Thiên Huế cũng đã dự thảo ra 9 nhiệm vụ cơ bản, trong đó việc đầu tiên là0020 rà soát và nâng cao chất lượng đội ngũ; tập huấn và bồi dưỡng những nhóm năng lực cần thiết đối với giáo viên ngoại ngữ.
Kế hoạch của ngành giáo dục Thừa Thiên Huế về dạy và học Ngoại ngữ đã rất rõ ràng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, khi triển khai cũng đã vướng một số khó khăn nhất định, đầu tiên là phần lớn học sinh chưa có động cơ và ý thức học tập môn Ngoại ngữ. Nhiều học sinh và phụ huynh ngại chương trình Tiếng Anh mới nên việc triển khai mở rộng chương trình Tiếng Anh hệ 10 năm gặp nhiều khó khăn nhất là về vấn đề thi, kiểm tra…
Hội nghị trực tuyến tuyến triển khai giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025 Đề án
“Dạy và học Ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 thu hút
nhiều đại biểu các cơ sở giáo dục tham dự.
Từ những khó khăn tiêu biểu trên, ông Hùng đề nghị nên chỉ đạo dạy học ngoại ngữ theo hướng phù hợp với điều kiện vùng miền, tăng sự lựa chọn cho các sở, tỉnh, thành phố bằng cách mở rộng khung chuẩn, mở rộng các qui định, yêu cầu và tổ chức dạy học ngoại ngữ để các tỉnh có điều kiện hoặc chưa có điều kiện lựa chọn phù hợp. Tạo động lực học tập ngoại ngữ cho học sinh bằng cách qui định ngoại ngữ là môn thi đầu vào trong tuyển sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.
“Việc đổi mới dạy học, thi, kiểm tra đánh giá ngoại ngữ phải gắn liền với sự thay đổi của nhiều qui định về cơ chế chính sách như: qui định tuyển dụng giáo viên Tiểu học đáp ứng chương trình Tiếng Anh mới, qui định về tài chính cho việc thi kiểm tra đánh giá đủ 4 kĩ năng, qui định về bồi dưỡng chuẩn hóa năng lực cho đội ngũ giảng viên ở đại học, qui định chứng chỉ ngoại ngữ trong tuyển dụng lao động của các ngành nghề, qui định của Bộ nội vụ về chuẩn nghề nghiệp cho giáo viên và người lao động…” ông Hùng đề nghị.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh – GĐ Trung tâm Khảo thí ĐH Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, muốn thực hiện tốt kế hoạch Đề án Ngoại ngữ trong thời gian tới cần cần rà soát hoàn thiện lại công cụ kiểm tra, đánh giá. Đây là yếu tố tiên quyết đầu tiên, phát triển nội lực khảo thí của đất nước.
Theo đó, cũng cần xây dựng điều kiện cơ sở vạt chất đảm bảo kiểm tra, đánh giá khảo thí có chát lượng. Tập trung hệ thống giám sát đảm bảo chát lượng khảo thí, và tăng cường mối liên hệ giữa khảo thí và các đỉnh còn lại (kiểm tra đánh giá, bồi dưỡng giáo viên, học liệu, chương trình giảng dạy), làm thế nào để khảo thí hỗ trợ giảng dạy, chứ không phải học cốt để lấy điểm cao.
Theo bà Quỳnh, kiểm tra đánh giá chúng ta đang đúng hướng, vì vậy phải tướng bước chứng minh chất lượng khảo thí để quốc tế công nhận chất lượng, như vậy người học tiếng anh đạt chuân sẽ sử dụng công cụ đánh giá của Việt Nam.
Mục tiêu cụ thể của Đề án Ngoại ngữ 2020 trong thời gian tới
Tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ theo chương trình 7 năm hiện hành (từ lớp 6 đến hết lớp 12); triển khai thực hiện chương trình tiếng Anh mới của giáo dục phổ thông, đến năm học 2020-2021, 100% học sinh lớp 3 TH, 70% học sinh 6 THCS và 60% học sinh lớp 10 THPT được học chương trình mới (10 năm). Đến năm 2025, phổ cập tiếng Anh trong trường phổ thông các cấp. Tiếp tục triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ đối với giáo dục nghề nghiệp. Đến năm 2020, 60% học sinh trường trung cấp, 100% sinh viên trường CĐ và tới năm 2025, 90% học sinh trường trung cấp đạt trình độ bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam và có thể sử dụng tiếng Anh trong việc làm. Tiếp tục triển khai chương trình đào tạo tăng cường môn ngoại ngữ đối với giáo dục đại học chuyên ngữ và không chuyên ngữ. Đến năm 2018 – 2019, 100% các trường ĐH triển khai đào tạo chương trình Tiếng Anh tăng cường; 100% sinh viên chuyên ngữ tốt nghiệp đạt chuẩn (bậc 5 theo Khung NLNN 6 bậc dùng cho Việt Nam). Đến năm 2020: 70% sinh viên ĐH không chuyên ngữ và đến năm 2025, 100% sinh viên ĐH không chuyên ngữ đạt chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp (bậc 3 theo Khung NLNN 6 bậc dùng cho Việt Nam). Tiếp tục đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục thường xuyên, thực hiện đa dạng hoá các hình thức học tập, đáp ứng nhu cầu người học. Đến năm 2020, 50% người học đạt chuẩn đầu ra; đến năm 2025, 100% người học đạt chuẩn đầu ra theo Khung NLNN 6 bậc dùng cho Việt Nam phù hợp với mục tiêu của từng khóa học. Nâng cao trình độ ngoại ngữ cho nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, viên chức trong các cơ quan nhà nước. Phấn đấu vào năm 2020: 40% cán bộ, công chức, viên chức nói chung có trình độ ngoại ngữ bậc 2 và 20% có trình độ bậc 3. Đến năm 2025, đạt tỷ lệ tương ứng là 60% và 40% . Tiếp tục triển khai dạy và học các ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh như ngoại ngữ 1 và triển khai thí điểm việc dạy và học ngoại ngữ 2 trong hệ thống giáo dục quốc dân. |
Nguồn tin: Bộ GD-ĐT (http://www.moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-bo.aspx?ItemID=4231)