“Doanh nghiệp nhỏ và vừa đối với phát triển công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam” là cuốn sách tham khảo giá trị đối với các giảng viên, sinh viên, độc giả quan tâm đến vấn đề phát triển công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam hiện nay.
“Công nghiệp phụ trợ” (CNPT) hay “Công nghiệp hỗ trợ” (CNHT) là công nghiệp sản xuất các chi tiết, bộ phận trung gian để lắp ráp thành một sản phẩm hoàn chỉnh trong công nghiệp chế tác. Trên thế giới, điển hình là Nhật Bản, Hàn Quốc, CNPT được hiểu là ngành công nghiệp sản xuất vật liệu phụ tùng, linh kiện cung cấp cho các doanh nghiệp lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh (ô tô, xe máy, thiết bị điện tử…). Chi phí về vật liệu phụ tùng, linh kiện thường chiếm từ 80% đến 90% giá thành sản phẩm hoàn chỉnh. Vì vậy, phát triển CNPT là điều kiện quan trọng để phát triển các ngành ở “hạ nguồn” và sự phát triển chung của nhiều ngành công nghiệp có liên quan. Ngày nay, các sản phẩm công nghiệp hầu hết không còn được sản xuất trọn bộ tại một không gian hay một địa điểm, mà được phân chia thành nhiều công đoạn, ở các châu lục, các quốc gia, các địa phương khác nhau. Khái niệm CNPT ra đời như một cách tiếp cận sản xuất công nghiệp mới với nội dung cơ bản là việc chuyên môn hoá sâu sắc các công đoạn của quá trình sản xuất.
Bìa sách
Việt Nam đang trong tiến trình đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng, vì vậy phát triển CNPT có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước. Thực tiễn ở một số nước trên thế giới đã chứng minh, sự phát triển đúng hướng của ngành CNPT là tiền đề quan trọng đóng góp vào quá trình phát triển nền kinh tế quốc dân. Đối với Việt Nam, CNPT phát triển góp phần làm tăng tỷ lệ nội địa hoá, giảm nhập khẩu, giảm giá thành sản phẩm, giảm sự phụ thuộc vào bên ngoài, đảm bảo tính chủ động cho nền kinh tế. CNPT phát triển đẩy nhanh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, phát huy cao độ các yếu tố nội lực, phát triển nguồn nhân lực, mối liên kết công nghiệp và sử dụng công nghệ cao, tăng giá trị gia tăng của sản phẩm công nghiệp. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, CNPT đáp ứng một cách linh hoạt, kịp thời trước nhu cầu phải thay đổi tính năng, kiểu dáng, mẫu mã, dây chuyền, công nghệ của nhà công nghiệp do thị hiếu tiêu dùng ngày càng cao và cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Ngoài ra, phát triển công nghiệp phụ trợ sẽ góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức hút đầu tư vào những lĩnh vực công nghiệp mà CNPT đi trước một bước để “mở đường”. Chính vì vậy, CNPT phát triển sẽ nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệpnói riêng, của cả nền kinh tế quốc dân nói chung.
Hiện nay, ở Việt Nam ngành CNPT còn khá non trẻ, quy mô nhỏ, tính cạnh tranh thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp chế tạo và lắp ráp. Điều này đã hạn chế khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp lắp ráp, cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Phát triển CNPT là vấn đề mới, phạm vi rộng và nội dung phức tạp liên quan đến các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ công nghiệp. Việt Nam, với nguồn lực hạn hẹp, quy mô các ngành kinh tế hạn chế, phát triển các ngành CNPT đòi hỏi nguồn vốn lớn, công nghệ cao, lao động chất lượng, đây là khó khăn lớn. Để phát huy lợi thế so sánh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với thực trạng nền kinh tế Việt Nam hiện nay thì lựa chọn phát triển công nghiệp phụ trợ trở thành một vấn đề mang tính khách quan và thiết thực.
Thầy Phạm Văn Kim tặng sách cho Trung tâm CNTT-TT&HL
Thực tế cho thấy, hiện nay ngành công nghiệp Việt Nam cơ bản là gia công, lắp ráp. Nguyên liệu, phụ tùng từ ngành dệt may đến đóng tàu, chủ yếu phải nhập khẩu từ bên ngoài. Trong khi đó, có khoảng 600 nghìn DNNVV đang hoạt động trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội, là lực lượng quan trọng thúc đẩy ngành CNPT ở Việt Nam phát triển nhưng về cơ bản chưa được thu hút vào mạng lưới CNPT. Mặc dù khả năng của các DNNVV rất lớn nhưng sự tham gia của các doanh nghiệp này vào phát triển CNPT rất khó khăn bởimôi trường thể chế cho phát triển CNPT nói chung, cho DNNVV nói riêng còn hạn chế, bất cập, bên cạnh đó mối liên kết giữa các DNNVV lỏng lẻo, rời rạc, sự liên kết, hợp tác giữa các tập đoàn, tổng công ty, các nhà đầu tư lớn với các DNNVV còn chưa thực sự bình đẳng. Chính vì vậy, vai trò đích thực của DNNVV đối với phát triển CNPT ở Việt Nam còn mờ nhạt.
Cùng với quá trình đổi mới của đất nước, hiện nay, cả nước có khoảng 600.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó 97% là DNNVV đóng góp 47% GDP, 40% ngân sách Nhà nước, 60% việc làm song chỉ được tiếp cận với 20% nguồn vốn. DNNVV vẫn được xem là chưa phát triển cả về số lượng, chất lượng,vai trò của DNNVV đối với phát triển CNPT còn rất hạn chế. Xuất phát từ cách đặt vấn đề như vậy, cuốn sách “Doanh nghiệp nhỏ và vừa đối với phát triển công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam” của thầy Phạm Văn Kim đã làm rõ những vấn đề: Vai trò đích thực của DNNVV đối với phát triển CNPT là gì? Những hạn chế về thực hiện vai trò của DNNVV đối với phát triển CNPT ở Việt Nam trong thời gian qua và nguyên nhân của hạn chế ấy? Nhà nước cần phải làm gì và làm như thế nào để phát huy vai trò của DNNVV đối với phát triển CNPT ở Việt Nam trong thời gian tới?
Sách được xuất bản năm 2018 do NXB Dân Trí ấn hành. Mới đây, cuốn sách này đã được TS. Phạm Văn Kim gửi tặng cho Trung tâm CNTT-TT&HL. Độc giả quan tâm có thể tìm đọc cuốn sách tại Bộ phận Học liệu, Tầng 2 C3 KCT Khoa Pháp.
ULIS Media