Trong những năm gần đây, mối quan hệ giao lưu hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng mở rộng và phát triển. Do đó, tiếng Hàn trở thành một trong những ngoại ngữ rất phổ biến ở Việt Nam, được nhiều người lựa chọn để học tập.
Tuy có nhiều điểm tương đồng về lịch sử và văn hóa nhưng tiếng Hàn và tiếng Việt lại thuộc hai loại hình ngôn ngữ khác hẳn nhau (Tiếng Việt thuộc loại hình đơn lập, tiếng Hàn lại nằm trong loại hình chắp dính), khiến người Việt học tiếng Hàn ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong tiếp thu kiến thức.
“Hội thoại đàm phán thương mại Hàn – Việt” do TS. Lã Thị Thanh Mai, TS. Trần Thị Hường và Thạc sỹ Đỗ Thuý Hằng biên soạn
Bìa sách “Giới thiệu địa danh du lịch Hàn – Việt”
Là một giảng viên tiếng Hàn lâu năm tại Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội, TS. Lã Thị Thanh Mai rất hiểu điều này. Để giúp người học thuận lợi hơn trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về tiếng Hàn cũng như nền văn hóa của xứ sở kim chi, TS. Lã Thị Thanh Mai đã dày công tìm tòi và viết nên 4 quyển sách: “Hội thoại đàm phán thương mại Hàn – Việt”, “Giới thiệu địa danh du lịch Hàn – Việt” và “Hội thoại Hàn – Việt theo chủ đề” do NXB Từ điển Bách Khoa ấn hành và đặc biệt là quyển “Xưng hô trong giao tiếp của người Hàn và người Việt” của NXB Khoa học và Xã hội. Bộ công trình nghiên cứu này là những ấn phẩm rất hữu ích và không thể thiếu cho người học tiếng Hàn.
Bìa sách “Hội thoại Hàn – Việt theo chủ đề”
“Hội thoại đàm phán thương mại Hàn – Việt” giúp người đọc biết cách nói năng và ứng xử, có thêm vốn từ chuyên ngành trong một cuộc hội thoại đàm phán. Sách “Giới thiệu địa danh du lịch Hàn – Việt” cung cấp cho người đọc những địa danh du lịch lý tưởng của Việt Nam cũng như Hàn Quốc. Cuốn “Hội thoại Hàn – Việt theo chủ đề” là tư liệu quý giá để những học viên có thể biết cách thực hiện hội thoại qua những chủ đề đa dạng.
Đặc biệt, quyển sách “Xưng hô trong giao tiếp của người Hàn và người Việt” mới được phát hành rất cần thiết với bất kỳ ai có hứng thú với tiếng Hàn. Trong giao tiếp hàng ngày, xưng hô chính là hành động ngôn ngữ quan trọng, luôn xuất hiện trước tiên để mở đầu và thường xuyên xuất hiện trong một cuộc hội thoại.
Xưng hô trong tiếng Hàn rất đa dạng và phức tạp hơn so với tiếng Việt nên người Việt dễ mắc lỗi khi áp dụng, dẫn đến nhiều trường hợp dở khóc dở cười xảy ra. Dù đã được đề cập nhiều lần, tuy nhiên ở Việt Nam vẫn chưa có công trình nghiên cứu cụ thể về vấn đề này. Do đó, cuốn sách “Xưng hô trong giao tiếp của người Hàn và người Việt” ra đời là một sự cần thiết không thể bàn cãi. Sách đã giới thiệu và phân tích bức tranh toàn cảnh về các từ ngữ xưng hô và cách sử dụng chúng trong tiếng Hàn.
“Xưng hô trong giao tiếp của người Hàn và người Việt” vừa ra mắt độc giả đã nhận được nhiều phản hồi tích cực
Trên cơ sở đó, tác giả đã đối chiếu và chỉ ra những điểm khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, tư duy giữa người Hàn Quốc và Việt Nam thể hiện qua cách xưng hô. Đồng thời, sách cũng phân tích hoạt động của từ ngữ xưng hô trong gia đình hạt nhân và ngoài xã hội. Ngoài ra, tác giả còn cập nhật những từ và cách xưng hô mới xuất hiện trong xã hội Hàn Quốc hiện nay, phân tích và đề ra hướng khắc phục các lỗi mà người học hay mắc phải trong xưng hô với người Hàn.
“Công trình của TS. Lê Thị Thanh Mai chắc chắn sẽ phục vụ rất tốt cho việc học tập, giảng dạy và dịch thuật giữa hai ngôn ngữ Hàn – Việt.
Tôi rất vui mừng và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tác phẩm rất có giá trị và hàm chứa nhiều thông tin thú vị này”, GS.TS. Nguyến Đức Tồn – Chủ tịch Hội đồng Biên tập tạp chí Ngôn ngữ nhận định.
Bộ 4 tập sách về tiếng Hàn đã được TS. Lã Thị Thanh Mai tặng cho Trung tâm CNTT-TT và Học liệu. Hy vọng rằng các quyển sách này sẽ được đông đảo học sinh, sinh viên cùng những người yêu thích tiếng Hàn tìm đọc.
TS. Lã Thị Thanh Mai tặng cho Trung tâm CNTT-TT và Học liệu bộ 4 quyển sách tiếng Hàn.