Từ xưa đến nay, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội luôn chú trọng tới công tác vì phụ nữ và cũng là nơi làm việc của rất nhiều gương mặt nữ tiêu biểu trong cả về công việc lẫn các hoạt động ngoại khóa.
Nhân dịp ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 năm nay, ULIS Media đã hân hạnh thực hiện một cuộc phỏng vấn với PGS.TS. Ngô Minh Thủy – Phó Hiệu trưởng và đồng thời là Trưởng Ban vì sự tiến bộ phụ nữ của Nhà trường. Hãy cùng nghe cô chia sẻ một số điều thú vị trong ngày trọng đại này.
PV: Em chào cô! Xin cám ơn cô đã nhận lời trả lời cuộc phỏng vấn ngày hôm nay. Để mở đầu, cô có thể cho biết cô có suy nghĩ gì về ngày 20/10 không ạ?
Cô Ngô Minh Thủy: Ngày 20 tháng 10 năm 1930 là ngày Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (tiền thân là Hội phụ nữ phản đế Việt Nam) được thành lập. Đây là ngày tôn vinh phụ nữ và thật tốt khi ở Việt Nam có hai ngày mà phụ nữ “lên ngôi” là ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 và ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. Cũng như các phụ nữ khác, cô rất vui khi thấy trong ngày này có rất nhiều hoa, rất nhiều lời chúc, sự quan tâm và nhiều sự kiện được tổ chức dành cho nữ giới.
PGS.TS. Ngô Minh Thủy
PV: Một câu hỏi em nghĩ sẽ rất nhiều sinh viên và cán bộ trong trường muốn biết. Cô có thể chia sẻ lý do cô bước chân vào nghề giáo là gì ạ?
Cô Ngô Minh Thủy: Thực ra thì từ khi còn nhỏ cô đã rất thích làm cô giáo. Trong những lúc chơi “đồ hàng” cùng với nhóm bạn, cô hay “đòi” đóng vai cô giáo.
Khi lớn lên, việc trở thành giáo viên cứ diễn ra như một điều tự nhiên. Cô học trường chuyên ngữ, rồi học tiếp lên đại học. Năm 1987, tốt nghiệp đại học xếp loại xuất sắc, cô vinh dự được giữ lại Trường làm giáo viên. Điều đó cũng có nghĩa là trước khi trở thành giáo viên, cô không phải suy nghĩ nhiều để quyết định công việc của mình. Sau đó cũng đã có những thời điểm cô nhận được các đề xuất về thay đổi công việc. Nhưng dù sao, cô rất thích được làm việc trong môi trường giáo dục nên đã quyết định là gắn bó với công việc này mãi mãi. Cô chưa và sẽ không bao giờ hối hận về điều này.
PV: Em biết cô sử dụng thành thạo cả 3 ngoại ngữ là Tiếng Nga, Tiếng Nhật và Tiếng Anh. Cô có thể bật mí làm thế nào cô có thể học và vận dụng tốt 3 ngôn ngữ không ạ?
Cô Ngô Minh Thủy: Thực ra cũng là do công việc thôi. Cô gắn bó với tiếng Nga từ khi 14 tuổi và đã giảng dạy tiếng Nga tại Trường 10 năm từ 1987-1997. Vào năm 1991, sau khi đi học khóa bồi dưỡng nâng cao tiếng Nga 10 tháng dành cho giáo viên ở Viện tiếng Nga Puskin – Matxcơva về, nhận thấy nhu cầu phải sử dụng tốt Tiếng Anh nên cô đã đăng ký học chương trình đại học chuyên ngành thứ 2 là tiếng Anh, đồng thời học khóa thạc sỹ chuyên ngành tiếng Nga nhằm tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn chính của bản thân.
Năm 1996, khi vừa hoàn thành chương trình đại học tiếng Anh và bảo vệ xong Luận văn thạc sỹ tiếng Nga, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam thông báo tuyển ứng viên đi học ngôn ngữ – văn hóa Nhật Bản. Trong bối cảnh Nhà trường đang có kế hoạch phát triển ngành Tiếng Nhật, và Tiếng Nga cũng không còn ở “thời hoàng kim” như trước, Nhà trường (lúc đó thầy Nguyễn Đức Chính là Hiệu trưởng) đã quyết định cử các giáo viên ngành tiếng Nga mà biết tiếng Anh tham dự kỳ thi. Lúc đó cô và cô Đỗ Hoàng Ngân được cử tham gia kỳ thi.
Sau khi hoàn thành và đỗ kỳ thi bằng Tiếng Anh, cô và cô Ngân đã được lựa chọn sang Nhật học. Như vậy có nghĩa là việc học 3 ngôn ngữ của cô đều gắn với công việc và được thực hiện theo chương trình bài bản nên có hiệu quả tốt hơn. Khi ta học một ngoại ngữ mà có một mục đích cụ thể, có nhu cầu cụ thể và học một cách bài bản thì hiệu quả đem lại chắc chắn sẽ cao hơn. Ngoài ra, khi đã biết một ngoại ngữ thì học ngoại ngữ thứ 2 hay thứ 3 cũng trở nên dễ dàng hơn. Thêm vào đó, do trong công việc cô vẫn thường xuyên sử dụng nên khả năng vận dụng các ngoại ngữ này được củng cố, khiến kiến thức không có “cơ hội” bị mai một. Tuy nhiên, trong ba ngôn ngữ Nga, Anh, Nhật, hiện nay tiếng Nga cô dùng ít hơn nên cũng có quên phần nào và mỗi khi có dịp đi Nga hoặc gặp người Nga thì cô vẫn phải ôn lại.
Cô Thủy và các cán bộ lãnh đạo nữ của trường
PV: Là một tấm gương điển hình của một người phụ nữ thành công trong trường, cô có quan điểm như thế nào về một phụ nữ của thời hiện đại?
Cô Ngô Minh Thủy: Thực ra cô không nghĩ mình là tấm gương điển hình của người phụ nữ thành công. Quan niệm về thành công của mỗi người rất khác nhau: Có người nghĩ thành công là có được một vị trí nhất định về quản lý hoặc chuyên môn, có người nghĩ thành công là có một điều kiện vật chất đầy đủ, có người nghĩ thành công là có một gia đình hạnh phúc… Cô nghĩ rằng người thành công là người làm được những điều mình muốn làm. Như vậy có nghĩa là trong trường mình nói riêng và bên ngoài xã hội nói chung có rất nhiều phụ nữ thành công. Và về cá nhân, thật may mắn là cô cũng đã làm được nhiều điều trong số các điều cô mong muốn. Nếu nhìn từ góc độ như vậy, có lẽ cô cũng là một trong số những người tương đối thành công.
Quan niệm của cô về phụ nữ hiện đại cũng đơn giản thôi: Phụ nữ cũng chính là những công dân như các công dân khác. Vì vậy khi xã hội phát triển, hiện đại hơn thì người phụ nữ cũng cần hiểu biết, năng động và hiện đại hơn. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn có những đặc trưng riêng về giới của mình và cũng cần gìn giữ những nét riêng đó. Có những điều phụ nữ khó làm thay được nam giới nhưng cũng có những điều mà nam giới khó mà làm được như phụ nữ. Thế nên thế giới chúng ta là hai nửa nam – nữ cộng lại.
PV: Công việc của cô rất bận rộn. Vậy cô đã sắp xếp thời gian như thế nào để cân đối, dung hòa thời gian cho sự nghiệp và gia đình?
Cô Ngô Minh Thủy: Cô là người thích sự cân bằng, không thích sự cực đoan. Chính vì vậy, trong cuộc sống, cô luôn cố gắng để cân bằng thời gian giữa gia đình và sự nghiệp. Việc giữ cân bằng này là cân bằng trong tổng thể: Cô coi trọng cả hai và tùy vào thời gian, giai đoạn ngắn khác nhau sẽ dành thời gian cho công việc nhiều hơn hoặc ngược lại nhưng về tổng thể thì vẫn phải đảm bảo sự cân bằng. Tuy nhiên, nếu như có lúc nào đó bắt buộc phải lựa chọn giữa sự nghiệp riêng của mình và gia đình, chắc chắn cô sẽ chọn gia đình.
Cô Thủy chụp ảnh cùng các bạn sinh viên trong Lễ khai giảng năm học 2016 – 2017
PV: Cô có thể bật mí về những sở thích của mình?
Cô Ngô Minh Thủy: Cô là người thích nhiều thứ. Ngoài học hành ra, cô thích hát, thích nhạc, thích đọc tiểu thuyết, thích thời trang và thích hoạt động xã hội, giao tiếp với mọi người. Cô thích những công việc mang tính sáng tạo như viết sách, làm thơ. Cô cũng đã từng viết thơ và xuất bản 3 tập thơ khi còn trẻ.
Tuy nhiên, cuộc sống bây giờ bận bịu quá nên cô cũng khó thực hiện được tất cả những sở thích của mình. Hiện nay, thỉnh thoảng cô có đi xem ca nhạc, nghe nhạc ở nhà, xem tạp chí thời trang. Nhưng viết thơ thì đã từ lâu không viết được nữa rồi ! (Cười)
PV: Là phụ nữ, nếu chỉ có một điều duy nhất để ước trong ngày 20/10, cô sẽ ước gì?
Cô Ngô Minh Thủy: Cô ước cho cuộc sống của tất cả mọi người chúng ta luôn đầy ắp niềm vui và hạnh phúc.
PV: Đã làm việc tại Trường Đại học Ngoại ngữ rất nhiều năm, xin cô vui lòng chia sẻ một chút cảm nhận của cô về tập thể phụ nữ của trường?
Cô Ngô Minh Thủy: Phụ nữ Trường mình rất giỏi giang, xinh đẹp, thanh lịch và giàu lòng nhân ái. Cô nghĩ là hiếm thấy một tập thể nữ đông đến mấy trăm cán bộ mà lại đoàn kết và sống với nhau hay như trường mình. Bên cạnh đó, phụ nữ trường mình cũng rất năng động, hiện đại nhưng không hề kém duyên dáng. Có lẽ do sự kết hợp giữa nét văn hóa Việt Nam và những nét văn hóa – ngôn ngữ của các dân tộc khác nhau mà hàng ngày chị em chúng ta được tiếp xúc.
PV: Là Trưởng Ban vì sự tiến bộ phụ nữ của một ngôi trường nơi phụ nữ có số lượng khá là đông đảo, cô có thể cho biết chính sách của trường ta đối với cán bộ nữ như thế nào?
Cô Ngô Minh Thủy: Phụ nữ ở trường ta chiếm tỷ lệ tới khoảng 80% tổng số cán bộ toàn trường. Bởi vậy, các chính sách chung cho Trường cũng có thể coi là chính sách dành cho phụ nữ chúng ta. Ngoài ra, khi xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển của Trường, Đảng ủy và Ban Giám hiệu, Công Đoàn cũng luôn quan tâm đến đặc thù của Trường với phần lớn cán bộ là nữ. Nhiều hoạt động trong Trường được tổ chức dành riêng cho phụ nữ, điều đó chứng tỏ sự quan tâm của Nhà trường.
Cô Thủy và các cán bộ trường trong chuyến tham quan tòa nhà Quốc hội
PV: Cô có thể chia sẻ cho mọi người biết Ban vì sự tiến bộ phụ nữ đã có những hoạt động nào trong thời gian qua và thành tích nổi bật của ban là gì?
Cô Ngô Minh Thủy: Tháng 3/2016 cô chính thức nhận nhiệm vụ Trưởng Ban vì sự tiến bộ phụ nữ. Các cán bộ trong Ban đã họp bàn, lên kế hoạch hoạt động cho toàn khóa và cho năm 2016.
Tháng 6 vừa rồi đã tổ chức được một buổi thăm Nhà Quốc hội và giao lưu dành cho các cán bộ lãnh đạo là nữ cấp Phó phòng trở lên. Đặc biệt, vừa rồi Ban đã xây dựng Đề án và được Đại sứ quán Hoa Kỳ tài trợ cho một Hội thảo Quốc tế với quy mô rất lớn về chủ đề lãnh đạo nữ, dự kiến tổ chức vào 3 ngày 12,13,14 tháng 12/ 2016. Cô hy vọng Hội thảo này sẽ trở thành Hội thảo thường niên.
Ngoài ra, Ban cũng đang xúc tiến việc chuẩn bị cho một số hoạt động khác như giao lưu, tọa đàm và một số câu lạc bộ nghệ thuật. Hỗ trợ cán bộ nữ trong hoạt động chuyên môn cũng là một điểm nhấn của Ban trong nhiệm kỳ hoạt động này.
PV: Cô có kỷ niệm nào thú vị khi hoạt động các phong trào hội phụ nữ không?
Cô Ngô Minh Thủy: Hoạt động phong trào nữ giới thì luôn vui và thú vị mà!
PV: Để tiếp tục phát huy tốt công tác vì sự tiến bộ phụ nữ, cô và Ban dự định sẽ chú trọng vào những hoạt động gì trong thời gian tới?
Cô Ngô Minh Thủy: Như trên đã nói, Ban sẽ xúc tiến 3 mảng hoạt động bao gồm: hoạt động chuyên môn, hoạt động giao lưu (đặc biệt là giao lưu gắn với các hoạt động mang tính quốc tế) và một số hoạt động văn hóa nghệ thuật nhằm hỗ trợ về công tác chuyên môn và công tác lãnh đạo cho cán bộ nữ và phần nào làm phong phú thêm cuộc sống tinh thần của chị em trong Trường.
PV: Cuối cùng, cô có gửi lời chúc nào đến cán bộ phụ nữ trong trường nhân dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam không ạ?
Cô Ngô Minh Thủy: Xin chúc các chị em một ngày Phụ nữ Việt Nam thật vui bên đồng nghiệp, gia đình và luôn hạnh phúc.
PV: Em xin cảm ơn cô vì cuộc trò chuyện này. Chúc cô có một ngày 20/10 trọn vẹn và đúng nghĩa với nhiều niềm vui!
Nguyễn Thủy-Việt Khoa/ULIS Media