Sau khi hoành hành trên thế giới, mã độc WannaCry được cho là sẽ gây ảnh hưởng nhiều hơn đến Việt Nam vào ngày đi làm đầu tuần.
“Cơn bão” mã độc tống tiền WannaCry tiếp tục lan rộng và theo thống kê của BBC, số máy tính bị ảnh hưởng đã lên đến 200 nghìn máy, tại 150 quốc gia. Rất nhiều trong số đó là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. “Quy mô của cuộc tấn công lớn chưa từng có”, BBC nói.
Kaspersky cho biết Việt Nam nằm trong top 20 quốc gia, vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng lớn bởi ransomware này, bên cạnh Ukraina, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan… Trên đồ họa của New York Times về WannaCry, Việt Nam cũng xuất hiện với “điểm nóng” là Hà Nội và TP HCM.
Đã phát hiện một số cuộc tấn công của WannaCry tại Việt Nam. |
Theo Công ty an ninh mạng Bkav, ngay trong ngày đầu mã độc tống tiền này bùng phát đã ghi nhận một số trường hợp nhiễm WannaCry tại Việt Nam. Theo đơn vị này, số “nạn nhân” trong nước có thể tiếp tục tăng trong hôm nay khi nhiều cá nhân, tổ chức trở lại làm việc và bật máy tính.
Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (Vncert) cũng phát đi công văn cảnh báo về sự nguy hiểm của WannaCry. “Đây là mã độc rất nguy hiểm, có thể đánh cắp thông tin và mã hóa toàn bộ máy chủ hệ thống, gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng”.
WannaCry, còn được biết đến với các tên khác như WannaCrypt, WanaCrypt0r 2.0… tấn công vào máy nạn nhân qua file đính kèm email hoặc link độc hại, như các dòng ransomware khác. Tuy nhiên, mã độc này được bổ sung khả năng lây nhiễm trên các máy tính ngang hàng.
Các vùng bị ảnh hưởng bởi WannaCry đang lan nhanh khắp thế giới. |
Cụ thể, WannaCry sẽ quét toàn bộ các máy tính trong cùng mạng để tìm kiếm thiết bị chứa lỗ hổng EternalBlue của dịch vụ SMB trên hệ điều hành Windows. Từ đó, mã độc có thể lây lan vào các máy có lỗ hổng mà không cần người dùng phải thao tác trực tiếp với file đính kèm hay link độc hại.
Theo Bkav, đã lâu rồi mới lại xuất hiện loại virus phát tán rộng qua Internet, kết hợp khai thác lỗ hổng để lây trong mạng LAN. Các thể tương tự trước đây chủ yếu được hacker sử dụng để “ghi điểm” chứ không mang tính chất phá hoại, kiếm tiền trực tiếp. WannaCry có thể xếp vào mức nguy hiểm cao nhất vì vừa lây lan nhanh vừa có tính phá hoại nặng nề.
Được ví là “cơn ác mộng”, WannaCry đã khiến 16 tổ chức của Anh bị ảnh hưởng, trong đó Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) phải từ chối bệnh nhân, hủy bỏ các hoạt động và sắp xếp lại lịch hẹn. Các nạn nhân khác của mã độc tống tiền này còn có công ty viễn thông Telefónica, MegaFon hay hãng vận chuyển FedEx…
Các chuyên gia an ninh khuyến cáo người dùng cập nhật bản vá càng sớm càng tốt, bằng cách vào Windows Update > Check for updates để kiểm tra các bản vá mới nhất. Cần khẩn trương sao lưu dữ liệu quan trọng trên máy tính. Nên mở các file văn bản nhận từ Internet trong môi trường cách ly Safe Run và cài phần mềm diệt virus thường trực trên máy tính.
Hiện Bkav đã có công cụ miễn phí giúp người sử dụng quét xem máy tính có đang bị nhiễm WannaCry không. Quan trọng hơn, công cụ này có thể kiểm tra và cảnh báo nếu máy tính có chứa lỗ hổng EternalBlue – điểm mà mã độc tống tiền này đang khai thác để xâm nhập máy tính.
Song song đó, Vncert cũng đưa ra hướng dẫn để người dùng thực hiện như ngăn chặn kết nối đến các máy chủ điều khiển mã độc WannaCry và cập nhật vào các hệ thống bảo vệ như: IDS/IPS, Firewall…