Trung tâm CNTT-TT&HL trân trọng giới thiệu đến bạn đọc số 2 năm 2017 của Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài, ấn phẩm khoa học chính thức và độc lập của Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Với 12 bài công bố kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh và 01 thông tin khoa học do Lâm Quang Đông cung cấp, số tạp chí này tiếp tục gửi tới các quý vị độc giả những tư liệu nghiên cứu liên quan đến các lĩnh vực nghiên cứu đối chiếu tiếng Việt với tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn và ứng dụng của chúng trong dạy – học ngoại ngữ và dịch thuật, những vấn đề đào tạo ngoại ngữ ở Việt Nam và những vấn đề nghiên cứu quốc tế.
Bài mở đầu của tác giả Nguyễn Ngọc Anh về quốc tế học trong số này đã tham chiếu lý thuyết phân tích chính sách đối ngoại để phân tích các dự đoán của giới học giả thế giới, đồng thời thể hiện nhận định của tác giả về tương lai quan hệ Mỹ-Trung dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Trong số này có nhiều bài viết về nghiên cứu đối chiếu ngôn ngữ văn hoá Việt Nam với ngôn ngữ văn hoá nước ngoài và ứng dụng trong dạy – học ngoại ngữ ở Việt Nam. Từ góc độ cấu trúc luận, Nguyễn Thị Ngọc Diệp đã khảo sát và khái quát hoá những nét tương đồng và khác biệt của danh ngữ tiếng Việt và tiếng Đức, đồng thời dùng ngữ liệu dịch thuật để thuyết minh cho các kết quả nghiên cứu mình. Phan Thị Ngọc Lệ đã phân tích những ảnh hưởng tiêu cực từ tiếng Việt tới cách biểu đạt ý nghĩa số của danh từ tiếng Anh trên ngữ liệu 146 luận văn viết bằng tiếng Anh của học viên Việt Nam. Ở góc nhìn khác, Hoàng Thị Yến trong bài viết của mình đã khắc hoạ một phần bức tranh về thế giới quan, giá trị quan, nhân sinh quan của người Hàn Quốc thông qua tục ngữ tiếng Hàn có yếu tố chỉ con mèo, đồng thời chỉ ra những tương đồng và khác biệt ở địa hạt ngôn ngữ – văn hoá này giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Tác giả Nguyễn Thuỳ Trang thảo luận về chiến lược xin lỗi bằng tiếng Anh của người Việt và người Mỹ, từ đó nêu lên những điểm cần chú ý trong văn hoá giao tiếp giữa hai nền văn hoá. Nguyễn Thị Minh Tâm và cộng sự đã phân tích 203 biển hướng dẫn có sử dụng tiếng Anh được thu thập từ 8 điểm du lịch tại miền Bắc Việt Nam và chỉ ra các vấn đề tồn tại về ngôn ngữ, văn hoá, từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục.
Liên quan đến đào tạo ngoại ngữ, qua kết quả khảo sát sinh viên, tác giả Huỳnh Anh Tuấn và Đỗ Thị Anh Thư cho thấy Chương trình đào tạo tiếng Anh nhiệm vụ chiến lược ở Đại học Quốc gia Hà Nội là một chương trình đào tạo chất lượng, hiệu quả, phù hợp với đường hướng giáo dục dựa vào chuẩn đầu ra. Để đào tạo gắn liền với nhu cầu thực tiễn, Đỗ Thuý Hằng và các cộng sự đã đưa ra các khuyến nghị bổ sung nội dung giảng dạy trong chương trình đào tạo tiếng Hàn tại trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội thông qua kết quả phân tích nhu cầu tuyển dụng nhân lực tiếng Hàn hiện nay. Ở một nghiên cứu khác, tác giả Lưu Hớn Vũ cho rằng một trong những nhân tố thúc đẩy động cơ học tập ngoại ngữ thứ hai – tiếng Trung Quốc của sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh là niềm đam mê ngôn ngữ và văn hoá Trung Quốc. Kiểm tra đánh giá là một khâu quan trọng trong quá trình đào tạo. Tác giả Hoàng Văn Vân trên cơ sở mô tả nội dung bài thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển vào đại học, cao đẳng môn tiếng Anh năm 2016 đã phân tích và thảo luận một số phẩm chất chính của bài thi, nêu những tác động và ảnh hưởng của bài thi vào các khía cạnh của giáo dục ngoại ngữ ở trường phổ thông Việt Nam.
Trong lĩnh vực dịch thuật, tác giả Lê Hùng Tiến điểm lại lịch sử và hiện trạng đào tạo biên phiên dịch viên trên thế giới và Việt Nam, những vấn đề về năng lực dịch thuật, năng lực biên phiên dịch viên,… từ đó đưa ra khuyến nghị về việc phát triển một cơ sở lý luận thích hợp cho đào tạo biên phiên dịch chuyên nghiệp ở Việt Nam. Đỗ Thị Thanh Huyền với phương pháp nghiên cứu phân tích định lượng, kết hợp với phương pháp miêu tả ngữ liệu đã đi sâu phân tích các đặc điểm từ vựng, ngữ pháp, tu từ trong cách đặt đầu đề bài viết trên Nhân Dân Nhật báo Trung Quốc, đồng thời đưa ra các khuyến cáo trong dịch thuật đầu đề báo chí Hán – Việt.
Với phương pháp nghiên cứu khoa học, nội dung phong phú, thiết thực, số tạp chí Nghiên cứu nước ngoài lần này chắc chắn sẽ làm hài lòng quý độc giả.
Mục lục số 2 năm 2017:
ULIS Media