Giới thiệu sách hướng tới Hội thảo Biên Phiên dịch UCIT 2020: Trí tuệ – Dịch thuật – Đào tạo Ngoại ngữ

Chào mừng Hội thảo quốc tế “DỊch thuật thời đại 4.0: Đào tạo, nghiên cứu và thực tiễn” (UCIT) do Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN phối hợp với Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, Trường Đại học Sư phạm Đài Loan tổ chức sắp tới, nhóm dịch giả gồm thầy Cầm Tú Tài, thầy Phạm Ngọc Hàm, cô Ngô Minh Nguyệt vừa gửi tặng Nhà trường 4 cuốn sách dịch từ nguyên tác tiếng Trung.

Bốn cuốn sách có tựa đề là “Lịch sử âm nhạc Trung Quốc” (Người dịch: Cầm Tú Tài – Vũ Phương Thảo), “Lịch sử phát triển văn học hiện đại Trung Quốc” (Người dịch: Cầm Tú Tài – Lê Thị Hoàng Anh), “Đọc hiểu lịch sử triết học Trung Quốc trong một cuốn sách” (Người dịch: Ngô Minh Nguyệt – Phạm Ngọc Hàm – Cầm Tú Tài), “Lược sử mỹ học 100 năm của Trung Quốc (Người dịch: Phạm Ngọc Hàm – Ngô Thị Mận). Đây là các cuốn sách dịch theo bản quyền chuyển nhượng năm 2019-2020 của ĐHQGHN.

Đại diện Trung tâm CNTT-TT&HL nhận sách 

Độc giả quan tâm có thể đến để mượn đọc tại Bộ phận Học liệu, Trung tâm CNTT-TT&HL, tầng 2 nhà C3 Khu Công trình Khoa Pháp. 

Thông tin chi tiết về 4 cuốn sách:

1.LỊCH SỬ ÂM NHẠC TRUNG QUỐC / 中国音乐史

Tác giả: Tăng Trục Kim – Lý Tư Lộ – Phùng Linh

Người dịch: Cầm Tú Tài – Vũ Phương Thảo

Số trang: 431

Âm nhạc Trung Quốc có lịch sử lâu đời, là một phần quan trọng của văn hóa truyền thống Trung Hoa. Đây là kết tinh của trí tuệ con người, phản ánh niềm khát khao hướng tới nét đẹp nghệ thuật của người Hoa Hạ.

Cuốn sách được biên soạn với sự kết hợp đa dạng giữa tư liệu lịch sử, hình ảnh minh họa và các trích dẫn âm nhạc. Nội dung thâu tóm lịch sử phát triển hàng nghìn năm từ âm nhạc cổ đại đến nền âm nhạc cận hiện đại Trung Hoa, cung cấp cho độc giả những tri thức cơ bản và toàn diện về lịch sử Âm nhạc Trung Quốc. Nhóm tác giả mong muốn những nhân tố văn hóa ẩn chứa trong âm nhạc như thế giới vạn vật, chế độ, tinh thần, tư tưởng, hành vi… sẽ được khắc sâu vào tâm trí người đọc, và đây cũng chính là một điểm mới của cuốn sách.

2.LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN VĂN HỌC HIỆN ĐẠI TRUNG QUỐC / 中国现代文学发展史

Tác giả: Ngô Phúc Huy

Người dịch: Cầm Tú Tài – Lê Thị Hoàng Anh

Số trang: 916

Cuốn sách đưa tất cả những hiện tượng liên quan đến tác phẩm văn học và tác giả đặt vào dòng chảy biến động của lịch sử. Việc đăng báo, xuất bản, tuyên truyền, chấp nhận và diễn biến của tác phẩm văn học được đặc biệt chú trọng. Môi trường nhân văn được hình thành trong văn học cũng được coi trọng hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đây. Sự thay đổi trọng tâm của văn học, điều kiện sống của tác giả, sự di chuyển, biến động, đời sống vật chất và đời sống sáng tác của họ cũng được khai thác ở những điểm quan trọng nhất. Những câu chuyện về hội nhóm, đảng phái đều kết hợp chặt chẽ và liên quan đến các ấn phẩm hiện đại như tập san, phụ san, tập sách văn học, điều này càng tiếp cận gần hơn tới nguồn sinh thái gốc nơi văn học sinh ra. Cách mà văn học mở rộng ra bên ngoài giống như xúc tu của con bạch tuộc đang vươn ra, nó tiếp xúc với độc giả qua phê bình văn học, nó làm cầu nối với văn học thế giới qua dịch thuật, nó tạo ra những ảnh hưởng qua lại lẫn nhau với những loại hình nghệ thuật khác cùng thời kỳ qua phim ảnh. Sự hình thành, phát triển của ngôn ngữ văn học bạch thoại hiện đại tất nhiên cần kết hợp với việc đọc kỹ các tác phẩm văn học kinh điển. Toàn bộ cuốn sách còn đặc biệt thiết kế năm điển hình trong văn học và sử dụng những sự kiện lớn theo năm để dẫn dắt độc giả vào hiện trường văn học. Đương nhiên tôi hiểu rằng môi trường gốc (nguyên sinh thái) của văn học thực sự là không tồn tại, năm điển hình hay những sự kiện lớn chẳng phải là kết quả lựa chọn của tác giả hay sao? Tuy nhiên kiểu biên niên gần với trạng thái xuất hiện và thay đổi của văn học chỉ là để lấy ví dụ thôi nhưng vẫn có tác dụng đặc biệt đối với việc khôi phục lại sự thật lịch sử bị bóp méo trước đó. (Trích Lời tác giả)

3.ĐỌC HIỂU LỊCH SỬ TRIẾT HỌC TRUNG QUỐC TRONG MỘT CUỐN SÁCH / 一本书读懂中国哲学史

Tác giả: Giang Tâm Lực

Người dịch: Ngô Minh Nguyệt – Phạm Ngọc Hàm – Cầm Tú Tài

Số trang: 415

Cuốn sách này giới thiệu về lịch sử triết học Trung Quốc thời kì viễn cổ đến cuối nhà Thanh, chia thành 10 chương, mỗi chương có một số mục như sau: 

Khái quát nội dung chương: Giới thiệu khái quát sự phát triển của triết học qua các thời kì lịch sử. 

Câu chuyện triết học: Giới thiệu về sự kiện, nhân vật quan trọng và các dấu mốc liên quan trong lịch sử triết học Trung Quốc thông qua hình thức kể chuyện, nhằm tạo hứng thú cho người đọc và tăng tính hấp dẫn cho cuốn sách. 

Năm diễn ra sự kiện lớn: Diễn tả đơn giản về hoạt động của các nhà triết học, sự kiện triết học quan trọng bằng hình thức biên niên. 

Liên kết kiến thức: Trình bày tư tưởng và học thuyết quan trọng có liên quan đến câu chuyện triết học dưới hình thức danh từ hóa. 

Giới thiệu kiến thức: Giới thiệu các khái niệm triết học, trường phái triết học, điển tích… có liên quan. 

Tranh ảnh: Lựa chọn hình ảnh có liên quan để thể hiện một cách trực quan nội dung được trình bày.

4.LƯỢC SỬ MỸ HỌC 100 NĂM CỦA TRUNG QUỐC / 百年中国美学史略

Tác giả: Chương Khởi Quần

Người dịch: Phạm Ngọc Hàm – Ngô Thị Mận

Số trang: 422

Mỹ học Trung Quốc thế kỷ XX có ba di sản lý luận lớn: Thứ nhất là tư tưởng và lý luận mỹ học phương Tây với đại diện là Thái Nguyên Bối, Chu Quang Tiềm; Thứ hai là lý luận mỹ học dựa trên tính độc đáo trong mỹ cảm của người Trung Quốc mà đại diện là Vương Quốc Duy, Tổng Bạch Hoa, Từ Phục Quang. Thứ ba là lý luận mỹ học chủ nghĩa Mác của Trung Quốc với đại diện là Thái Nghi, Lý Trạch Hậu, Chu Quang Tiềm, trong đó “mỹ học thực tiễn của Lý Trạch Hậu có thành tựu cao nhất, ảnh hưởng lớn nhất, là lý luận chính của giới mỹ học Trung Quốc nửa sau thế kỷ XX. Giữa “mỹ học thực tiễn” và mỹ học của Thái Nghi và Chu Quang Tiểm tồn tại mối quan hệ chặt chẽ không thể tách biệt. Bởi, “mỹ học thực tiễn” là kết quả của chủ nghĩa Mác, mỹ học của Thái Nghi, Chu Quang Tiểm, Lý Trạch Hậu thống nhất với nhau về lý luận căn bản. Tôi cho rằng, từ quan niệm, phương pháp của Vương Quốc Duy và Tông Bạch Hoa, có thể tìm thấy con đường đúng đắn trong sự phát triển lành mạnh của mỹ học Trung Quốc, tìm thấy phương pháp duy nhất giúp nghiên cứu lý luận mỹ học Trung Quốc với ý nghĩa học thuật chân chính. Áp dụng cái nhìn ấy để rà soát lại giới mỹ học Trung Quốc một thế kỷ trở lại đây, có thể thấy rằng những sáng tác thực sự mang tính sáng tạo quả thực không nhiều. 

Với suy nghĩ ấy, cuốn sách này không muốn viết thành một cuốn biên niên sử mỹ học Trung Quốc 100 năm, mà chỉ tiến hành chỉnh lý những sáng tác về mỹ học Trung Quốc có thể coi là kết quả của nghiên cứu học thuật trong 100 năm qua, phác họa một đường hướng chủ yếu, coi hiện trạng nghiên cứu mỹ học hiện nay là cơ sở để phê phán và suy ngẫm lại, nhằm tìm thấy trong đó quán tính nội tại và ý niệm của công tác nghiên cứu học thuật Trung Quốc, cung cấp tài liệu lịch sử mang tính tham khảo cho sự nghiệp xây dựng mỹ học Trung Quốc thế kỷ XXI. Đây chính là ý đồ, là mục đích căn bản của cuốn sách này. (Trích Lời tựa)

[HỘI THẢO QUỐC TẾ BIÊN PHIÊN DỊCH – UCIT2020]

– Tên gọi: UCIT2020 (ULIS Conference on Interpreting and Translation 2020)

– Thời gian: ngày 27/10/2020

– Địa điểm: Hội trường Sunwah, ĐHNN-ĐHQGHN

– Chương trình: Hội nghị bàn tròn (sáng) và HT trực tuyến (chiều)

– Đại biểu khách mời: Các chuyên gia đến từ các trường ĐH các nước như: Anh, Úc, Nga, Nhật, Hàn, Trung Quốc,…; chuyên gia, các nhà ngoại giao Việt Nam (Tôn Nữ Thị Ninh, Bùi Thế Giang,…); đại diện các tổ chức đào tạo biên phiên dịch, đại diện các doanh nghiệp/đại sứ quán các nước

– Đồng tổ chức: Trường ĐH Sư phạm Đài Loan; Đề án Ngoại ngữ quốc gia

——————————————

– Link đăng ký tham dự TH, nộp bài: http://ocs.ulis.vnu.edu.vn/inde…/HTQTDT/DT2020/author/submit

– Link thông báo (tiếng Anh): http://tiny.cc/ucit2020_eng

– Link thông báo (tiếng Việt): http://tiny.cc/ucit2020_vie

 

Bài liên quan