Hai quyển sách “Chữ Hán: Chữ và Nghĩa” và “Văn ngôn trong tiếng Hán hiện đại” sẽ là nguồn tư liệu tham khảo rất giá trị cho độc giả trong quá trình dạy và học tiếng Hán.
PGS.TS. Phạm Ngọc Hàm là Phó Giáo sư ngành Ngôn ngữ Trung Quốc đầu tiên tại Việt Nam. Ông sinh năm 1959 tại vùng đất hiếu học Nam Định, nơi sinh ra nhiều danh nhân nổi tiếng của Việt Nam như Lương Thế Vinh, Nguyễn Bính, Trần Dần… Năm 1976, thầy Hàm bắt đầu học Khoa tiếng Trung tại Trường Sư phạm Ngoại ngữ (Nay là Trường ĐHNN-ĐHQGHN). Tốt nghiệp đại học năm 1981, ông trở về quê hương Nam Định và dạy tại Bộ môn Hán Nôm của Trường Cao đẳng Nam Định.
Sau vài năm công tác, vì muốn nâng cao trình độ của bản thân, PGS.TS. Phạm Ngọc Hàm đã quyết tâm lên Hà Nội và bắt đầu giảng dạy tại Khoa NN&VH Trung Quốc – Trường Đại học Ngoại ngữ từ năm 1998. Chặng đường sau đó thì ông vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu, vừa học tập thêm, đạt được kết quả là học vị Thạc sĩ (2000), học vị Tiến sĩ (2004) và chức danh Phó Giáo sư (2009). Công việc hiện tại của ông là giảng dạy môn Văn học Trung Quốc, Cổ văn và Thực hành tiếng.
Trong quá trình làm việc, thầy Hàm đã tích lũy kiến thức và xuất bản các cuốn sách: sách chuyên khảo “Từ ngữ xưng hô tiếng Hán – so sánh với tiếng Việt” (2008), sách chuyên khảo “Chữ Hán: Chữ và nghĩa” (2012), giáo trình “Tiếng Hán cổ đại” (2015) và sách chuyên khảo “Văn ngôn trong tiếng Hán hiện đại” (2016). Đây đều là những quyển sách giúp độc giả nâng cao hiểu biết về tiếng Trung Quốc.
Trong đó, hai cuốn “Chữ Hán: Chữ và nghĩa” và “Văn ngôn trong tiếng Hán hiện đại” đã được gửi tặng Trung tâm CNTT-TT&HL với mong muốn đưa sách và những tư liệu giá trị này tới gần độc giả hơn.
PGS.TS. Phạm Ngọc Hàm tặng sách cho Trung tâm CNTT-TT&HL
“Chữ Hán: Chữ và Nghĩa” khác với phần lớn các ngôn ngữ trên thế giới, tiếng Hán ngoài những nhân tố cấu thành như: ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp ra, văn tự cũng là vấn đề được giới nghiên cứu ngôn ngữ đặc biệt quan tâm. Chữ Hán là một loại chữ tượng hình có một không hai trên thế giới, hàm ý văn hóa của nó rất sâu sắc.
Cuốn sách tập trung vào việc phân tích cấu tạo và quá trình phát triển nghĩa của chữ Hán, từ đó độc giả có thể hiểu được thế giới khách quan, nhân sinh quan cũng như đặc điểm nhận thức, phương thức tư duy của người Trung Quốc. Điều đó có tác dụng thiết thực đối với việc dạy học tiếng Hán nói riêng và nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa Hán nói chung.
“Chữ Hán: Chữ và Nghĩa” không chỉ là cuốn sách thực sự hữu ích đối với những nhà nghiên cứu ngôn ngữ, Hán học, các sinh viên đang theo học ngành Hán Nôm mà còn rất hữu dụng cho những ai đang theo học tiếng Trung để tìm hiểu cặn kẽ về Hán tự.
“Văn ngôn trong tiếng Hán hiện đại” có thể nói là cuốn tư liệu đầu tiên ở Việt Nam tiến hành nghiên cứu, giới thiệu một cách khá hệ thống về yếu tố văn ngôn trong tiếng Hán hiện đại trong mối liên hệ với tiếng Việt. Cuốn sách chỉ ra ý nghĩa, cách dung của các yếu tố văn ngôn còn lưu giữ trong tiếng Hán hiện đại.
Trên cơ sở so sánh ngôn ngữ – văn hóa trên ba phương diện văn ngôn, bạch thoại và tiếng Việt, chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt giữa chúng, vận dụng vào việc dạy học tiếng Hán, giúp học viên nắm được mối liên hệ giữa tiếng Hán và tiếng Việt, hệ quả của quá trình tiếp xúc ngôn ngữ Hán Việt. Từ đó có thể tận dụng sự di chuyển tích cực, đồng thời hạn chế sự di chuyển tiêu cực của tiếng mẹ đẻ sang quá trình thụ đắc tiếng Hán.
“Văn ngôn trong tiếng Hán hiện đại” là tài liệu tham khảo cần thiết cho công tác dạy và học tiếng Trung Quốc ở Việt Nam.
ULIS Media