Là một cựu sinh viên, một giảng viên của Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Quốc Gia Hà Nội, và giờ đây là một nghiên cứu sinh tiến sĩ, tôi viết ra những trải nghiệm của mình như một lời tự răn dạy cho bản thân, một sự chiêm nghiệm muốn chia sẻ cùng đồng nghiệp và một lời tri ân tới những người đã góp phần khiến cho khẩu hiệu chung của trường chúng ta thực sự có ý nghĩa.
· 22 tuổi: Có một công việc ổn định.
· 24 tuổi: Du học.
· 26 tuổi: Về nước. Học tập. Công tác. Lập gia đình.
· 30 tuổi: Học tiến sĩ.
…
Đó là một lộ trình ‘hoàn hảo’ mà tôi đã ‘lập trình’ sẵn cho mình khi vừa rời khỏi giảng đường đại học. Ở tuổi 22, tương lai trước mắt tôi là một con đường thẳng với những ‘mốc đến’ cụ thể, rõ ràng chỉ cần ‘nhắm đến’, ‘vươn tới’ và ‘thành công’. Tuy nhiên, bản thân cuộc đời luôn đã là một hành trình dài với nhiều ngã rẽ, và điều mà tôi tuy từng nhiều lần trải nghiệm, nhưng chưa thể chiêm nghiệm đầy đủ ở cái tuổi mới chập chững bước vào đời ấy, chính là hai chữ ‘cơ hội’.
Bởi ‘cơ hội’ đã giúp tôi xác định được một chương trình học tập phù hợp, một lĩnh vực chuyên môn mới mẻ và một đề tài mà mình tâm đắc và trăn trở bấy lâu. ‘Cơ hội’ lại đến khi đề tài nghiên cứu thạc sĩ được tôi bảo vệ thành công và được phép chuyển tiếp lên đề tài tiến sĩ trong vòng chưa đầy một năm. Và gần đây nhất, ‘cơ hội’ lại gõ cửa khi Đại học Monash (Australia) đã đồng ý hỗ trợ tôi một suất học bổng giá trị để có thể hoàn thành chương trình Tiến Sỹ của mình trước khi tôi bước sang tuổi 28.
Mặc dù chặng đường trước mắt còn quá dài để tôi dễ dãi tự thưởng cho mình hai chữ ‘thành công’, ‘cơ hội’ là điều mà tôi muốn nhắc đến khi bạn bè và những nghiên cứu sinh khác hỏi tôi về ‘bí quyết’ và những trải nghiệm của mình trong một năm qua. Đáp lại, tôi dường như đọc được những sự nghi ngại trong ánh mắt nhiều người, bởi họ chưa tin tưởng đó thực sự là ‘đáp án’ trung thực nhất mà tôi muốn chia sẻ với họ. Nhưng tôi thực sự không trách họ, bởi cũng như nhiều người khác, tôi cũng đã từng không tri ngộ hết ý nghĩa sâu xa của hai chữ ‘cơ hội’.
Trong ‘cơ hội’ có một phần của sự may mắn
Bên chén trà đầu năm với GS Nguyễn Hoà, tôi đã nói vui rằng ‘Em thật may mắn khi sinh ra đúng thời’. Thực vậy, là sinh viên khoá K37 (2003-2007), tôi may mắn khi được thụ hưởng một mô hình giáo dục tuy được áp dụng không lâu nhưng lại mang trong mình nhiều nét hiện đại, đột phá ngay trên đất nước mình: chương trình của Hệ Chất Lượng Cao (Khoa Sư Phạm Tiếng Anh, ĐH Ngoại Ngữ, ĐH Quốc Gia, Hà Nội). Trong rất nhiều điều quý báu mà tôi học được khi còn là một sinh viên trong Hệ, tôi cảm nhận rõ rệt nhất lợi ích lớn lao của những kỹ năng sống, học tập và làm việc. Tôi còn nhớ như in cái nhìn e ngại của các giáo sư và sinh viên quốc tế, bạn học và nghiên cứu sinh của mình tại ĐH Monash danh tiếng khi tôi ‘dám’ trình bày đề cương nghiên cứu của mình khi chưa trải qua quá một lần tập dượt. Thực tế, nhiều nghiên cứu sinh khác đã có rất nhiều cơ hội được diễn tập bài trình bày của mình trong các hội nghị và hội thảo trước ‘thời khắc’ mà nhiều người trong số họ cho là ‘sinh tử’ – khi một đề cương có thể bị bác bỏ, kéo theo công sức cả năm trời của một người nghiên cứu xuống sông biển. Tuy nhiên, ‘trôi chảy’, ‘tự tin’, ‘ngạc nhiên’ và ‘đầy hứa hẹn tại các hội thảo lớn’ là những lời khen mà ba vị giám khảo uy tín dành cho tôi sau bài trình bày của mình. Bản thân tôi thì không mấy ‘ngạc nhiên’, không phải vì tôi tự phụ hay huyễn hoặc về bản thân mình, mà tôi hiểu đó là thành quả có được sau một quá trình luyện rèn một ‘xâu’ những kỹ năng trong Hệ Chất lượng cao (CLC) như kỹ năng trình bày, diễn thuyết, tổ chức thông tin, báo cáo, sử dụng công nghệ thông tin trong trình bày slides v.v. Tôi ý thức được rằng nội dung trình bày có thể khác, nhưng kỹ năng, phẩm chất, bản lĩnh … là những yếu tố cần phải được luyện rèn trong cả một quá trình trước đó. Và mặc dù khuôn khổ của bài viết không cho phép tôi có thể chia sẻ những điều quý giá khác mà tôi may mắn lĩnh hội được ngay từ khi còn là một sinh viên đại học, tôi vẫn luôn tâm niệm rằng bốn năm là sinh viên Hệ đào tạo Chất lượng cao là một quãng thời gian mà từng giây phút đều là những ‘cơ hội’ học tập và rèn luyện quý báu mà rất nhiều người đi trước tôi có thể đã không may mắn có được.
Và tôi quả thực cũng rất may mắn khi được gặp và làm việc với những người đã định hướng, chỉ dẫn và đưa ra những lời khuyên hữu ích cho tương lai của mình. Tôi nhớ cái ngày tôi mới bước chân vào nghề đã được GS Nguyễn Hoà, TS Tuấn Minh, TS Xuân Hoa và nhiều thầy cô khác tin tưởng, động viên cho tham gia sinh hoạt thêm ở các tổ chuyên môn khác để qua đó, có thêm cơ hội định hướng và xây dựng vốn tri thức lý luận cho mình trong tương lai. Tôi cũng rất biết ơn TS. Hoa Levitas (Đại diện ĐH Monash), khi thấy tôi có lòng đam mê và những thành tích nghiên cứu khoa học nhất định, giới thiệu và khuyến khích tôi chọn chương trình thạc sĩ nghiên cứu (Master by research) với ‘cơ hội’ được chuyển đổi sang chương trình tiến sĩ sau này. Và tôi cũng không thể quên được những ngày đầu còn ‘lạ lẫm’ nơi đất khách quê người đã được TS. Phan Lê Hà (ĐH Monash) tạo điều kiện cho tham dự các hội thảo chuyên ngành để có cái nhìn toàn cảnh về bức tranh nghiên cứu sinh động và hối hả của thế giới ngày nay. Nếu tôi không may mắn được là học sinh hay đồng nghiệp của những người có ‘tài’ và có ‘tâm’ như vậy, chắc những thành quả ngày nay của tôi sẽ kém đi phần trọn vẹn.
‘Cơ hội’ đến từ cái tâm và đức hi sinh
Tuy nhiên, tôi sẽ mãi là con người ‘duy tâm’, ‘siêu hình’ và ‘phủ định sạch trơn’ những nỗ lực phi thường của bao nhiêu con người nếu tin ‘cơ hội’ đơn thuần chỉ là sự hào phóng của số phận. Tôi nhớ như in cái ngày mà tôi chuẩn bị hồ sơ xin học bổng để học lên tiến sĩ, câu hỏi đầu tiên mà người xét tuyển đặt ra cho tôi không phải là bảng điểm đại học, là bằng cấp loại gì, mà đơn giản chỉ là: ‘Em có những thành tích nghiên cứu khoa học trong quá khứ không?’. Và nếu câu trả lời là ‘không’, cánh cửa tới tấm bằng tiến sĩ sẽ khép lại. Khi đó, tôi chợt nhớ đến những ngày đông rét buốt, thầy và trò trong Tổ Chất Lượng Cao kiên trì nán lại bên bờ hồ trong công trình Khoa Pháp rất lâu sau giờ học để chữa đề cương nghiên cứu (một chương trình đầy táo bạo và mang tính đột phá ở năm thứ 4), hay những ngày hè oi bức, tôi loay hoay, long ngóng bên chiếc đèn chiếu thô sơ ngày nào để chập chững trình bày những nghiên cứu khoa học sinh viên đầu tiên của mình. Tôi thấy ở đó có cô Thu Hương và thầy Tuấn Minh trong Ban Chủ nhiệm khoa với bộn bề công việc, cùng bao thầy cô khác mà thời gian của họ có thể quy đổi ra nhất nhiều giá trị vật chất to lớn. Nhưng gác sang một bên tất cả những lo toan, bận rộn vật chất ấy, tất cả các thầy cô đều chăm chú lắng nghe chúng tôi một cách nghiêm túc, đồng thời ‘hào phóng’ góp ý và động viên chúng tôi rất nhiều, cho dù tự thân chúng tôi hiểu rằng những nghiên cứu của mình còn rất nhiều thiếu sót. Chính các thầy cô đã cho tôi thấy không chỉ cái ‘tâm’ của một người thầy, một nhà nghiên cứu khoa học chân chính mà còn là cả một tấm lòng cao cả biết hi sinh cho sự tiến bộ chung của cả một cộng đồng nữa. Những nỗ lực của các thầy cô khi đưa lý luận về phương pháp nghiên cứu vào giảng dạy trong chương trình của Hệ Chất Lượng Cao hay sự tạo điều kiện tối đa để sinh viên được thực hành và trải nghiệm về nghiên cứu dưới hình thức những nghiên cứu khoa học sinh viên … là những công việc mà người khác nhìn vào sẽ cho là ‘vẽ việc’, là ‘vác tù và hàng tổng’ bởi nó không mang lại những lợi ích vật chất cho chính bản thân thầy cô hay những thành quả nơi người học trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, tôi tự hào dám đưa những trải nghiệm của mình ra làm một minh chứng rõ ràng cho thấy những nỗ lực của họ không hề uổng phí, mà trái lại, nhằm tạo cho người học chúng tôi ‘tư thế’ và ‘tâm thế’ tốt nhất để nắm bắt và tận dụng những cơ hội ‘ngàn vàng’ trong tương lai. Và tôi hiểu rằng với những người thầy có ‘tâm’ có đức hi sinh như vậy, chỉ một lời tri ân, một sự báo cáo thành quả của lớp sinh viên cũ như chúng tôi đây là quá đủ để họ tiếp tục phấn đấu và đóng góp nhiều hơn nữa cho một tập thể tiến bộ và vững mạnh trong tương lai.
Cơ hội chỉ dành cho những con người ‘dám làm’ và ‘dám nghĩ’
Đứng trước những lựa chọn quan trọng của cuộc đời mình, tôi thường bị bạn bè chê cười là một kẻ ‘dại dột’.
Lần thứ nhất là khi tôi còn bước vào ngưỡng cửa đại học. ‘Dại gì mà vào hệ Chất Lượng Cao! Rồi cũng chỉ là cái bằng thôi mà’ là câu nói tôi thường nghe những sinh viên khác nói sau lưng mình khi còn lưỡng lự trước quyết định đăng ký thi tuyển vào hệ. Trong bộn bề phân vân và e ngại của tuổi trẻ, tôi đã ‘liều lĩnh’ chọn cho mình con đường chông gai hơn, cho dù điều đó có nghĩa là quãng thời gian bốn năm tới rồi cũng sẽ vất vả chẳng kém ôn thi vào đại học. Và bốn năm đó, như tôi đã trải nghiệm và giờ đây rất đỗi tự hào về nó, kết thúc với đúng cũng chỉ là tấm bằng như bao nguời phán đoán, nhưng giá trị của cuộc sống vốn đâu phải chỉ nằm ở một tấm giấy mà thôi?
Lần thứ hai tôi bị chê là ‘dại dột’ là khi quyết định học cao học tại trường. ‘Chán lắm, chẳng học được gì đâu’ lại là câu nói tôi đã ‘dám’ bỏ ngoài tai để chấp nhận vừa đi làm vừa đi học, dẫu phải hi sinh cả những ngày nghỉ cuối tuần của mình. Nhưng ngày nay, khi đi học ở một trường đại học danh giá thuộc đẳng cấp quốc tế, tôi lại thấy hai năm học cao học ở trường lại vô cùng hữu ích cho con đường đi của mình. Rất nhiều những khái niệm lý luận, trường phái lý thuyết và phương pháp luận khoa học được các giáo sư bên nước ngoài ‘mặc nhiên’ là nghiên cứu sinh của họ đã phải biết, hay phải tự tìm hiểu, thì ít nhiều tôi đã được nghe giảng ở các lớp cao học tạo trường. Và trong khi rất nhiều bạn học của tôi phải mất không ít thời gian mày mò ‘tìm đường’ trong các thư viện đồ sộ, tôi đã có những thuận lợi hơn khi đã được nghe, được giới thiệu và tri ngộ phần nào về những tri thức đó. Đôi khi, một cái tên của một vị học giả tiêu biểu cho một trường phái lý thuyết, một khái niệm tuy chưa hiểu hết nhưng nhiều lần đã được nghe đến ở bậc đào tạo cao học tại trường v.v. đều có thể là chiếc đèn hải đăng soi rọi, giúp cho tôi định hướng nhanh hơn trong một đại dương mênh mông các tri thức của nhân loại – một quá trình có thể khiến những nghiên cứu sinh khác mất đến hàng năm để tìm ra.
Và lần thứ ba tôi bắt gặp ánh mặt nghi ngại của những người xung quanh là khi tôi chọn cho mình chương trình thạc sĩ với 100% nội dung nghiên cứu. Đó là một con đường vất vả, không ‘an toàn’ và cũng ‘mông lung’ hơn những lựa chọn khác, nên cũng là dễ hiểu khi bạn bè, nhất là những người cùng ra đi với tôi năm đó thấy lo lắng và ái ngại cho quyết định của tôi. Bản thân tôi cũng không khỏi cảm thấy run sợ, vì cuộc sống xa nhà vốn đã không dễ dàng giờ đây lại đòi hỏi tôi phải tự lập nhiều hơn trong học tập và nghiên cứu. Nhưng khi sang học tập tại ĐH Monash, tôi nhận thấy có vô số cơ hội mà nếu nghiên cứu sinh biết tích cực và mạnh dạn hơn một chút sẽ khiến con đường đi của mình bớt phần vất vả. Có rất nhiều sự hỗ trợ, tư vấn, định hướng, các buổi thỉnh giảng và hội thảo mà Khoa Giáo dục học hay nhiều giáo viên tâm huyết đứng ra tự tổ chức, qua đó người học có thể tham dự để nâng cao kiến thức, phương pháp luận, kỹ năng hay đơn giản là nâng cao sự tự tin và ‘xốc lại’ nguồn cảm hứng nghiên cứu của mình. Theo tôi, đó thực sự là những ưu thế của một nền giáo dục tiên tiến mà người học, chỉ cần có tinh thần học hỏi, cầu thị và trao đổi để cùng tiến bộ, sẽ có thể tận dụng và nâng cao hiệu quả học tập nghiên cứu của mình một cách tối đa tại nước ngoài.
Lời kết
Để thay cho lời kết của bài viết mang nhiều tính trải nghiệm này, tôi xin được tản mạn về hai chữ ‘cơ hội’ ở khía cạnh ngôn ngữ học. Trong Tiếng Anh, ‘chance’ và ‘opportunity’ đều có nghĩa là ‘cơ hội’. Tuy nhiên, không khó để nhận ra khẩu hiệu của trường ĐH Ngoại Ngữ (ĐH Quốc Gia Hà Nội) đã chọn cho mình từ ‘opportunity’, bởi ‘chance’ thường bao hàm nhiều yếu tố may mắn và tình cờ hơn. Do đó, ‘creating opportunities together’ là một khẩu hiệu mà giờ đây tôi mới tri ngộ một cách thấm thía: ‘cơ hội’ không phải là sự run rủi của số phận hay trái sung trên đầu của một kẻ lười nhác, càng không phải là một con đường rắc đầy hoa thơm và trái ngọt cho những ai yêu thích sự thảnh thơi. ‘Cơ hội’ chỉ thực sự vững bền và phát huy hết tiềm năng của nó khi con người biết nắm lấy thời cơ, biết tạo ra cho mình và cho cả người khác nhiều cơ hội khác nữa.
Cuối cùng, tôi ý thức được rằng mình đang bàn về ‘cơ hội’ chứ không phải ‘thành công’, bởi còn quá sớm để tôi tự ‘ru ngủ’ mình với hai chữ đó. Cũng chính vì thế, bài viết này không phải nhằm phô trương một thành tích hay giáo huấn một hướng đi chung cho bất cứ ai, mà đơn giản chỉ là sự sẻ chia quan điểm và những suy nghĩ đang hoàn thiện dần của bản thân tôi về ‘cơ hội’ trong cuộc sống học tập, nghiên cứu và lao động mới. Dẫu có thể còn rất nhiều bất đồng nhưng nếu người đọc có thể tìm thấy đôi điều thú vị hay hữu ích cho cuộc sống học tập và làm việc của mình qua đôi dòng tản mạn đầu xuân thì có lẽ bản thân chính bài viết này không đơn thuần chỉ là bàn về, mà còn góp phần nhỏ bé của mình trong sứ mạng chung: ‘creating opportunities together’ của toàn trường chúng ta nữa.
Vũ Hải Hà