“Vai trò của Nhà nước trong phát triển nguồn nhân lực khoa học – công nghệ ở Việt Nam” là cuốn sách tham khảo giá trị đối với giảng viên, sinh viên quan tâm đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ ở Việt Nam hiện nay.
Nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực khoa học – công nghệ nói riêng từ lâu đã được khẳng định là chủ thể và là nguồn lực quyết định phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia. Bởi vậy, phát triển nguồn nhân lực, nguồn nhân lực khoa học – công nghệ được nhiều quốc gia quan tâm đặc biệt. Nhờ đó, khoa học – công nghệ thế giới phát triển như vũ bão trong những năm qua và đang bước sang giai đoạn phát triển mới: cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Ở nước ta, công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức là nhiệm vụ trung tâm, quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001) xác định rất rõ vai trò của khoa học – công nghệ và nguồn nhân lực khoa học – công nghệ: “Phát triển khoa học và công nghệ cùng với phát triển giáo dục và đào tạo là nền tảng và động lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Trong giai đoạn phát triển mới, Đảng Cộng sản Việt Nam (2016) đã xác định: Mô hình tăng trưởng trong thời gian tới kết hợp có hiệu quả phát triển chiều rộng với chiều sau, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh trên cơ sở nâng cao năng suất lao động, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ, đổi mới và sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…”.
Với tư cách là nguồn lực con người, nguồn nhân lực khoa học – công nghệ vừa mang những đặc điểm chung của nguồn nhân lực, vừa có những đặc thù riêng do lĩnh vực khoa học – công nghệ quy định.
Bìa sách
Do đó, để phát triển nguồn nhân lực này, để nguồn nhân lực khoa học – công nghệ giữ vai trò quyết định cần phải sử dụng cơ chế thị trường. Tuy nhiên, kinh tế thị trường cũng có không ít khuyết tật nên không thể “phó mặc” cho thị trường mà phải có sự tham gia của Nhà nước.
Trong những năm qua, Nhà nước ta đã quan tâm phát triển bộ phận nhân lực này bằng việc xây dựng và thực thi chiến lược phát triển nguồn nhân lực khoa học – công nghệ; ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách hỗ trợ… và đạt được những kết quả nhất định. Nguồn nhân lực khoa học – công nghệ thời gian qua đã có sự phát triển nhất định cả về số lượng và chất lượng, có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển của khoa học – công nghệ nói riêng, sự phát triển của đất nước nói chung.
Bên cạnh những thành công, thực tiễn cho thấy, vai trò của Nhà nước trong phát triển nguồn nhân lực khoa học – công nghệ chưa được phát huy đầy đủ, còn nhiều hạn chế bất cập: môi trường phát triển nguồn nhân lực khoa học – công nghệ chưa thật sự phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn; hệ thống luật pháp, cơ chế và chính sách phát triển nguồn nhân lực này còn chồng chéo, thiếu hiệu lực, chưa đồng bộ; quản lý Nhà nước nguồn nhân lực khoa học – công nghệ còn hạn chế… dẫn tới nguồn nhân lực khoa học – công nghệ phát triển thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, cơ cấu không hợp lý. Vì vậy, phát minh khoa học của Việt Nam rất ít ỏi và có khả năng tụt hậu so với các nước trong khu vực; Việt Nam hiếm có các nhà khoa học tầm cỡ thế giới; khoa học – công nghệ phát triển chậm chạp, ảnh hưởng không tốt tới quá trình phát triển đất nước…
Thực tiễn thế giới và đất nước đòi hỏi phải nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện và khoa học về đặc điểm nguồn nhân lực khoa học – công nghệ; vai trò của thị trường và của Nhà nước trong phát triển nguồn nhân lực khoa học – công nghệ; giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường trong phát triển nguồn nhân lực khoa học – công nghệ; cần phải làm gì và làm thế nào để thực hiện đúng vai trò của Nhà nước nhằm tháo gỡ, khắc phục những bất cập nêu trên, tạo điều kiện cho nguồn nhân lực khoa học – công nghệ phát triển.
Cô Dương Quỳnh Hoa tặng sách cho Trung tâm CNTT-TT&HL
Với mong muốn trao đổi cùng bạn đọc luận cứ khoa học về vai trò của Nhà nước đối với phát triển nguồn nhân lực khoa học – công nghệ của nước ta hiện nay, cuốn sách chuyên khảo “Vai trò của Nhà nước trong phát triển nguồn nhân lực khoa học – công nghệ ở Việt Nam” của TS. Dương Quỳnh Hoa quan tâm làm rõ vai trò của Nhà nước đối với sự phát triển của nguồn nhân lực khoa học – công nghệ trong kinh tế thị trường; phân tích, đánh giá thực trạng vai trò của Nhà nước trong phát triển nguồn nhân lực khoa học – công nghệ ở Việt Nam trong những năm qua; nghiên cứu đưa ra những quan điểm và giải pháp thực hiện đúng vai trò Nhà nước trong phát triển nguồn nhân lực khoa học – công nghệ ở nước ta trong thời gian tới.
Sách được xuất bản năm 2018 do NXB Dân Trí ấn hành. Mới đây, cuốn sách này đã được TS. Dương Quỳnh Hoa gửi tặng cho Trung tâm CNTT-TT&HL. Độc giả quan tâm có thể tìm đọc cuốn sách tại Bộ phận Học liệu, Tầng 2 C3 KCT Khoa Pháp.
ULIS Media