“Mức độ thích ứng với hoạt động học môn Đọc hiểu tiếng nước ngoài của sinh viên chuyên ngoại ngữ” là cuốn sách tham khảo rất cần thiết với giảng viên, sinh viên chuyên ngành ngoại ngữ.
Trong tiến trình phát triển của xã hội, ngôn ngữ, đặc biệt là văn tự ra đời đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình giao tiếp. Với vai trò làm công cụ ghi chép, văn tự là chất liệu làm nên văn bản, chuyển tải tri thức, kinh nghiệm sống, lao động và học tập của thế hệ trước cho thế hệ sau, dần dần hình thành nên văn hóa đọc, luôn được coi là một trong những thú vui tao nhã, bổ ích của con người. Quan niệm “vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao” có nghĩa là muôn ngành nghề đều là hàng dưới, chỉ có tri thức mới là cao cả, đưa sự nghiệp giáo dục, truyền thụ tri thức nhân loại lên tầm cao giá trị.
Trong thời đại hội nhập và bùng nổ thông tin như hiện nay, tiếng nước ngoài đóng vai trò làm cầu nối giữa các nước trên thế giới, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế trên mọi phương diện, văn hóa đọc càng có ý nghĩa lớn lao. Nhiệm vụ của môn Đọc hiểu tiếng nước ngoài trong các trường chuyên đào tạo ngoại ngữ nói chung là hình thành và phát triển kỹ năng đọc cho sinh viên, nhằm tiếp thu tinh hoa tri thức văn hóa, khoa học kỹ thuật của các nước tiên tiến trên thế giới.
Để có thể trong một thời gian ngắn nhất, tiếp thu được khối lượng kiến thức nhiều nhất được tích lũy trong vô vàn các văn bản không giới hạn về không gian và thời gian, ngoài vấn đề phương pháp, người học còn cần phải thích ứng với hoạt động học nói chung và đọc hiểu văn bản nói riêng. Mức độ thích ứng với hoạt động học nói chung và đọc hiểu văn bản nói riêng của người học phụ thuộc vào các yếu tố khách quan và yếu tố chủ quan. Mức độ thích ứng với hoạt động học càng cao thì càng tạo ra hứng thú cao trong hoạt động học. Sách Luận ngữ có câu: “Tri chi giả bất như hiếu tri giả, hiếu tri giả bất như lạc tri giả”, nghĩa là biết thì không bằng thích, mà thích thì không bằng tìm được nguồn vui từ trong hoạt động của mình.
Từ môi trường học tập ở phổ thông chuyển sang môi trường học tập mới ở đại học, sinh viên được tiếp xúc với nhiều thầy cô và bạn bè mới, không gian mới và đặc biệt là nội dung học, phương pháp học mới… Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động học nói chung và mức độ thích ứng với hoạt động học môn Đọc hiểu tiếng nước ngoài nói riêng.
Là cán bộ giảng dạy Bộ môn Tâm lí học, cô Đặng Thị Lan đã dành nhiều tâm huyết nghiên cứu vấn đề thích ứng với hoạt động học tiếng nước ngoài của sinh viên chuyên ngoại ngữ, thành quả nghiên cứu được kết tụ trong cuốn sách có nhan đề “Mức độ thích ứng với hoạt động học môn Đọc hiểu tiếng nước ngoài của sinh viên chuyên ngoại ngữ”.
Cuốn sách gồm ba phần. Phần I: Những vấn đề lí luận về mức độ thích ứng với hoạt động học môn Đọc hiểu tiếng nước ngoài của sinh viên chuyên ngoại ngữ. Phần II: Kết quả nghiên cứu thực tiễn mức độ thích với hoạt động học môn Đọc hiểu tiếng nước ngoài của sinh viên một số khoa đào tạo ở Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Quốc gia Hà Nội. Phần III: Biện pháp nâng cao mức độ thích ứng với hoạt động học môn Đọc hiểu tiếng nước ngoài của sinh viên chuyên ngoại ngữ.
Cuốn sách đã chú ý đến cả hai phương diện lý luận và thực tiễn, là công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc và tâm huyết của tác giả, hy vọng có thể cung cấp một tài liệu phục vụ giảng dạy cũng như tham khảo cần thiết cho các môn thực hành tiếng, đặc biệt là môn Đọc hiểu tiếng nước ngoài.
Mới đây, cuốn sách này đã được cô Đặng Thị Lan gửi tặng cho Trung tâm CNTT-TT&HL. Độc giả quan tâm có thể tìm đọc cuốn sách tại Bộ phận Học liệu, Tầng 2 C3 KCT Khoa Pháp.
ULIS Media