Trong khuôn khổ Hội nghị triển khai giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025 của đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020” được tổ chức sáng 17-9 tại Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã kết luận 8 nội dung cần tập trung trong thời gian tới để Đề án thực sự phát huy hiệu quả và tạo ra được bước ngoặt trong dạy và học ngoại ngữ.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị
Dưới đây là tổng hợp 8 nội dung kết luận của Bộ trưởng:
1. Đối với đội ngũ giáo viên
– Ban Quản lý Đề án NNQG 2020 phối hợp với các ban thực hiện các nhiệm vụ của đề án ở địa phương rà soát thực trạng đạt chuẩn của giáo viên ngoại ngữ, đặc biệt là giáo viên các trường sư phạm ngoại ngữ. Thời hạn hoàn thành báo cáo: 31/10/2016.
– Các Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên cho giai đoạn trung hạn từ 2016 đến 2020. Thời hạn hoàn thành kế hoạch: 31/12/2016.
– Các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch mời giáo viên bản ngữ, tình nguyện viên dạy ngoại ngữ. Trong thời gian tới, các vụ bậc học đặc biệt là vụ Hợp tác quốc tế, cục Đào tạo nước ngoài tăng cường mở rộng giao lưu hỗ trợ các địa phương để có giáo viên bản ngữ dạy ngoại ngữ.
2. Đối với người học
– Cần chú ý đến nhu cầu học ngoại ngữ ở các địa phương và các bậc học. Bên cạnh tiếng Anh, cần chú ý đến các ngoại ngữ khác. Một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đang dạy tiếng Nhật, tiếng Hàn. Lập danh sách các địa phương khác đăng ký dạy thí điểm tiếng Nhật, tiếng Hàn để lập kế hoạch triển khai.
– Cần mạnh dạn đưa vào chương trình từ Tiểu học đến Trung học phổ thông, các bậc sau trung học các môn học được giảng dạy bằng tiếng Anh. Có thể nghiên cứu giáo trình các môn học được dạy bằng tiếng Anh tại các nước khác để đưa vào thí điểm, không nhất thiết phải tự xây dựng giáo trình.
– Các trường trọng điểm, ngành trọng điểm cần có môn học được dạy bằng tiếng Anh.
– Cần tập trung quan tâm đến học sinh lớp 12 để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông sắp tới. Cần sớm công bố dạng đề thi trắc nghiệm môn tiếng Anh để thầy cô và học sinh làm quen và ôn tập. Cần gắn kết giữa việc học và thi đối với kỳ thi tốt nghiệp phổ thông này.
– Rà soát, nghiên cứu lại yêu cầu chuẩn đầu ra môn ngoại ngữ với các cấp học từ Tiểu học tới Trung học phổ thông. Cần giám sát chặt chẽ hoạt động dạy học ngoại ngữ, tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ để người học tốt nghiệp đạt được chứng nhận năng lực ngoại ngữ đúng với năng lực thật sự của người học.
– Cần tạo môi trường học ngoại ngữ như hình thành các câu lạc bộ ngoại ngữ để học sinh, sinh viên và người đi làm có nhu cầu học tiếng Anh có thể tham gia. Phải thúc đẩy phòng trào toàn dân học tiếng Anh để việc học tiếng Anh từ áp lực thành động lực đối với người học.
3. Về học liệu
– Rà soát, xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ theo hướng thực tế và trực tuyến để người học có thể học ngoại ngữ mọi lúc, mọi nơi.
– Về sách giáo khoa tiếng Anh, nghiên cứu, chọn lựa một bộ sách giáo khoa chất lượng của nước ngoài, chỉnh sửa cho phù hợp rồi thống nhất đưa vào chương trình dạy từ Tiểu học đến Trung học Phổ thông. Đối với các trường ĐH, CĐ, khuyến khích dùng giáo trình nước ngoài.
– Cần xây dựng hệ thống học liệu hỗ trợ như hệ thống các clips ngắn đưa trên mạng để giáo viên và người học có thể tiếp cận trực tuyến. Tăng cường đưa công nghệ vào hỗ trợ việc dạy học ngoại ngữ. Học liệu không chỉ là giáo trình, nó gồm cả hệ thống các công cụ hỗ trợ để giúp người dạy, người học tiếp cận nhanh nhất và nâng cao trình độ tốt nhất.
4. Về khảo thí
– Một thực tế của hoạt động khảo thí ngoại ngữ hiện nay là nội dung khảo thí không thống nhất với chương trình giảng dạy. Vì vậy, cần rà soát sự phù hợp giữa chương trình giảng dạy và nội dung kiểm tra, đánh giá, tránh tình trạng “học một đằng, khảo một nẻo”.
– Chia làm hai nhóm trong khảo thí ngoại ngữ: nhóm 1 là nhóm cấp chứng nhận năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, nhóm 2 là nhóm các chứng nhận năng lực ngoại ngữ quốc tế như IELTS và TOEFL.
– Sẽ chỉ có duy nhất một hệ thống là trung tâm khảo thí quốc gia để tránh tình trạng không thống nhất trong hoạt động khảo thí giữa các đơn vị.
5. Về tài chính
Để nâng cao được trình độ tiếng Anh, phổ cập tiếng Anh đòi hỏi sẽ rất tốn kém. Vì vậy, nếu chúng ta chỉ dựa vào ngân sách thì sẽ thất bại ngay từ đầu. Chủ trương của Bộ GD&ĐT là không đầu tư dàn trải, phân tán dẫn đến lãng phí mà tập trung vào những vấn đề cốt lõi. Vấn đề quan trọng nhất là hiệu quả đầu tư. Đặc biệt nên trông cậy vào xã hội hóa, khi xã hội thấy hiệu quả của việc học ngoại ngữ, mọi người sẽ tự học.
6. Về cơ chế chính sách
– Rà soát toàn bộ những văn bản đã có, giữ lại những văn bản hợp lý, loại bỏ những văn bản chưa hợp lý. Bổ sung những văn bản còn thiếu để sao cho cơ chế chính sách phải tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thực hiện.
– Cần thu hút giáo viên bản địa vào Việt Nam, vì thế cần có một môi trường thu hút giáo viên bản địa bắt đầu từ chính cơ chế chính sách phù hợp. Trong thời gian tới, cần nhanh chóng sửa Nghị định 73 để tăng cường thu hút các chương trình giáo dục, cơ sở giáo dục nước ngoài vào Việt Nam.
7. Về truyền thông và cơ sở dữ liệu
– Ban QLĐA NNQG 2020 xây dựng một cơ sở dữ liệu, học liệu để cho mọi người chia sẻ. Đây là căn cứ quan trọng để nhà quản lý xây dựng chính sách và cho các cơ sở tham chiếu trong quá trình hoàn thiện và xây dựng kế hoạch.
– Phải bằng các kênh khác nhau, biện pháp khác nhau một cách nhẹ nhàng cho xã hội thấy được học tiếng Anh hay ngoại ngữ là một nhu cầu tự thân, có thật, không phải ép buộc.
– Công tác truyền thông nội bộ phải được đưa lên hàng đầu. Mỗi một cán bộ của Bộ là một đại sứ truyền thông, phải nói lên được những gì làm được và chưa làm được. Thực tế vẫn còn nhiều thầy cô chưa rõ về ngành nghề và chỉ đạo của ngành.
– Khi nhiều bậc phụ huynh còn tâm tư nghi ngờ thì chúng ta chưa thể làm tốt được nhiều việc của ngành, trong đó có đề án ngoại ngữ. Khi có sự nhìn nhận thông suốt trong toàn xã hội thì hành động mới thống nhất để hướng tới cùng mục đích.
8. Tăng cường năng lực cho đội ngũ quản lý
– Người đứng đầu mỗi cơ sở giáo dục phải chia sẻ với giáo viên, đây không phải chỉ là việc của tổ bộ môn. Người quản lý phải là người đi đầu với những vấn đề mới, khó, nhạy cảm.
– Thực tế có rất nhiều đồng chí từng tham gia công tác lãnh đạo quản lý của ngành rất cố gắng. Thậm chí về hưu rồi vẫn học ngoại ngữ, học để làm tấm gương.
– Rà soát lại các ban chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của Đề án NNQG 2020 trên toàn quốc.
– Cần tiếp cận khác về vấn đề thi đua khen thưởng của Đề án NNQG 2020 và rộng lên là trong toàn ngành. Chúng ta đang thực hiện đổi mới, trong giáo dục nói chung và trong ngoại ngữ nói riêng, phải từ thực tiễn, thầy cô nào dạy tốt, giỏi có nhiều sáng tạo để học sinh học tốt, hoặc đổi mới chương trình sẽ được khen thưởng xứng đáng.
– Với Đề án NNQG 2020 phải lưu ý và xem xét khen thưởng theo hướng tham chiếu văn hóa nước ngoài: phải là người thật, việc thật, phải có đóng góp và được đồng nghiệp tôn vinh.
Bộ trưởng yêu cầu Ban QLĐA NNQG 2020 đưa 8 nội dung nêu trên vào Kế hoạch triển khai giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo. Trong đó, từng nội dung có phụ lục cụ thể, được trình bày theo khung logic với các mục công việc, mục tiêu, sản phẩm, người thực hiện, người phối hợp theo lộ trình từng năm.
“Lộ trình bước đi như thế nào phải tính toán, trong điều kiện hiện nay chúng ta chỉ nhìn đến năm 2025, trước mắt là 2020 cho tốt. Từ đó nhân lên và cuối cùng được mục tiêu để phấn đấu. Tôi muốn làm sao chúng ta tạo được một xu thế toàn xã hội học tiếng Anh như một nhu cầu tự thân.” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nguồn: http://www.moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=4230